Tại Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), mực nước hồ đang xuống thấp nhất trong chuỗi thuỷ văn được theo dõi của 45 năm qua. Mực nước hồ hiện tại vào khoảng 150 m, cao hơn mực nước chết khoảng 9,7 m.
Ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Sông Tranh cho hay, những tháng đầu năm 2018 tình hình tương đối tốt hơn so với nhiều năm nhưng đến thời điểm lũ chính vụ thì tình hình lại rất cực đoan, lưu lượng nước về hồ rất thấp.
Ngay trong ngày 10/12, dù Đà Nẵng có mưa lớn và chìm trong biển nước thì tại khu vực hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 lẫn thượng lưu vẫn không có mưa. Lưu lượng nước về hồ chỉ đạt 71 m3/giây so với dự kiến 80 m3/giây. Thực tế này khiến cho hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 đang thiếu khoảng 418 triệu m3 nước so với dung tích đầy hồ (hồ đạt mức nước dâng bình thường).
Tại Nhà máy Thuỷ điện A Vương (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), cảnh mong mưa cũng thường trực khi mực nước trong hồ thuỷ điện lớn nhất tỉnh Quảng Nam này ngày 11/12 chỉ là 341,14 m, cao hơn chút ít so với mức nước chết ở mức 340 m.
Dù ngày 11/12, tại nhiều nơi ở Quảng Nam có mưa lớn, thậm chí TP Tam Kỳ cũng bị ngập lụt thì khu vực hồ thuỷ điện A Vương chỉ có mưa nhỏ. Lượng nước về hồ chỉ khoảng 11,3 m3/giây, trong khi trung bình hàng năm dịp này là 80-100 m3/giây.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng giám đốc Công ty Thuỷ điện A Vương cho hay, năm nay đặc biệt nhất trong chuỗi thuỷ văn được theo dõi là 42 năm. Tuy là mùa mưa lũ, nhưng lưu lượng nước về hồ kém và hiện chỉ trên mực nước chết hơn 1 mét. Như vậy, mức nước trong hồ đang thiếu so với mức nước dâng bình thường hơn 30 mét.
Theo tính toán, hiện tại lượng mưa từ đầu năm trên lưu vực đạt 1.478 mm, trong khi trung bình hàng năm là 2.400-2.600 mm.
“Nếu trận mưa gây lụt ở Đà Nẵng trong ngày 10/12 đạt khoảng 800 mm mà mưa vào hồ thuỷ điện A Vương thì vừa không gây ngập và thiệt hại nặng nề cho Đà Nẵng mà hồ thuỷ điện lại tích được nước để chuẩn bị cho mùa khô năm 2019 đang cận kề”, ông Thế nói.
Thiếu nước khiến công suất phát hiện hiện nay của thuỷ điện này chỉ đạt khoảng 80% công suất định mức của nhà máy. Tuy nhiên, ông Thế cho rằng, tình thế với A Vương cũng như một số thuỷ điện khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay "phát điện là thứ yếu, quan trọng hơn là tích nước, điều phối cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2019".
Vùng lòng hồ và phía thượng lưu Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) cũng gần như không có mưa trong những ngày Đà Nẵng và Quảng Nam mưa to và ngập nặng. Theo ông Nguyễn Sơn, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung 4, rất nhiều hồ khu vực miền Trung, Tây Nguyên gặp vấn đề thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô năm nay. Mực nước hồ thủy điện Sông Bung 4 đạt cao trình 207 m so với mức nước dâng bình thường là 220 m, tương đương với thiếu hụt 182 triệu m3 nước.
Tại Công ty Thuỷ điện Ialy, nơi đang được giao vận hành Nhà máy Thủy điện Ialy (720 MW), Thủy điện Sê San 3 (260 MW) và Thủy điện Pleikrông (100 MW,) tính đến ngày 30/11/2018 có tất cả 9 cơn bão đổ bộ vào biển Đông gây mưa lũ trên diện rộng tại nhiều vùng trong cả nước. Tuy nhiên trên lưu vực sông Krông Pôkô chỉ xuất hiện duy nhất 1 đợt lũ lớn kéo dài nhiều ngày do bão số 4 gây ra, còn sông Sê San không xuất hiện lũ. Thời điểm xuất hiện lũ lớn nhất vào ngày 14/8/2018.
Ở thời điểm cuối mùa lũ (ngày 30/11/2018), mực nước hồ Ialy đạt cao trình 511,8 m - thấp hơn mực nước dâng bình thường (515 m) là 3,2 m và thấp hơn cả mực nước đầu mùa cạn vào thời điểm ngày 01/12 là 0,4 m (được quy định tại phụ lục III của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San ban hành kèm theo Quyết định số 215/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quy trình 215)).
Như vậy, hồ Ialy còn thiếu 172,3 triệu m3 nước mới đầy hồ (đạt cao trình mực nước dân bình thường 515 mét). Tương đương với việc giảm phát của Nhà máy Thuỷ điện Ialy là 85,3 triệu kWh và tại Nhà máy Thuỷ điện Sê San 3 ở bậc thang bên dưới giảm 28,43 triệu kWh
Từ 1/12/2018 tới nay, việc huy động điện lên hệ thống của 3 nhà máy điện gồm Ialy, Sesan 3, và Pleikrong rất hạn chế nhằm cố gắng giữ mực nước cho mùa khô 2019.
Trước tình hình khô cạn nước tại các hồ thuỷ điện khu vực thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, UBND tỉnh Quảng Nam đã liên tục có văn bản gửi các công ty thuỷ điện Sông Tranh, Đăk Mi 4, A Vương và Sông Bung, cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị tách 4 nhà máy thuỷ điện gồm Sông Bung 4, A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 ra khỏi thị trường bán điện cạnh tranh; khi 4 hồ thuỷ điện tích đủ lượng nước cần thiết cho sản xuất, sinh hoạt vùng hạ du năm 2019 thì mới tham gia phát điện trở lại. |
Nguồn tin: Theo baodautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn