EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

Giá điện của Việt Nam thuộc Top rẻ nhất thế giới

Thứ năm - 14/03/2019 07:58    Đã xem: 1067    0
Giá điện bình quân của các nước trên thế giới năm 2018 là 0,14 USD/kWh, trong khi tại Việt Nam chỉ bằng một nửa (tức 0,07 USD/kWh).
1352 NYng lYYng tai tYo
1352 NYng lYYng tai tYo

Trong số 93 nước được thống kê, nếu tính từ thấp đến cao thì Việt Nam đứng thứ 21 - tức là giá điện của Việt Nam chỉ cao hơn 20 nước, nhưng thấp hơn tới 73 nước khác.

Theo đó, giá điện của Việt Nam cao hơn Burma, Egypt - hai nước có giá điện thấp nhất với 0.02 USD/kWh. Các nước có giá điện thấp tiếp theo là Iran, Iraq, Kuwait, Qatar, Malaysia, Ukraine, Algeria, Uzbekistan…từ 0,03 USD - 0,06 USD/kWh. Đây là các nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt rất lớn, khiến giá điện thấp hơn mặt bằng chung.

Một số nước/khu vực trong khu vực có giá điện cao hơn Việt Nam như: Singapore (0,16 USD/kWh), Japan (0,26 USD/kWh), Philippines (0,19 USD/kWh), Hong Kong (0,14 USD/kWh), Hàn Quốc (0,11 USD/kWh), Indonesia (0, 11 USD/kWh), Thái Lan (0,11 USD/kWh), Trung Quốc - Ấn Độ là 0,08 USD/kWh. Ngay cả so với Lào, Campuchia, giá điện của Việt Nam cũng chỉ bằng 81,7% và 73,5%. 

Thống kê Global Petrol Prices cho thấy, một số nước có giá điện rất cao, chẳng hạn như Đức là 0,33 USD/kWh - cao gấp 4,7 lần giá điện Việt Nam, Australia là 0,26 USD/kWh gấp 3,7 lần, Tây Ban Nha ở mức 0,25 USD/kWh gấp 3,5 lần, Italia là 0,23 USD/kWh gấp 3,2 lần. Nước có giá điện cao nhất là Denmark với 0,34 USD/kWh, gấp gần 5 lần so với giá điện của Việt Nam. 

Trước đó, trong cuộc họp ngày 5/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đã có phương án tăng giá bán lẻ điện 8,36%. Thời gian tăng giá là trong nửa cuối tháng 3/2019. Theo tính toán, việc tăng giá bán lẻ này có thể đưa giá bán lẻ điện bình quân lên 1.864 đồng/kWh (tương ứng 0,08 USD/kWh).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương thống kê giá điện 25 nước trên thế giới năm 2018 bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ thì giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.

"So sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia. Nếu giá điện lần này được điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0,08 USD/kWh, tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ”, ông Tuấn cho hay. 

Để giá điện tiệm cận thị trường 

Bàn về câu chuyện giá điện Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới, ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng, World Bank Việt Nam cho rằng, mức giá bình quân 1.720 đồng/kWh hiện nay thấp hơn mức giá mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải bỏ ra để mua điện từ các nguồn trong tương lai, kể cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện. Nhu cầu đầu tư sản xuất điện tăng nhanh nhằm đáp ứng tốc độ tăng cầu về điện. Muốn thỏa mãn nhu cầu đó thì giá điện phải lên tới mức 0,143 USD/kWh vào năm 2021.

Mỗi nước đều có tiềm năng về năng lượng và giá thành sản xuất điện khác nhau. Trong trường hợp Việt Nam, lượng điện có thể sản xuất từ các nguồn rẻ tiền như thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn. Tất cả sản lượng điện sản xuất mới từ than nhập khẩu và trữ lượng khí trong nước đều sẽ có giá thành cao hơn.

"Giá điện sinh hoạt, giá điện kinh doanh và giá điện công nghiệp bán ra tại Việt Nam hiện nay tương đối thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn, giá điện tại Campuchia, Lào, Philippines lần lượt là 0,19 USD/kWh, 0,09 USD/kWh, 0,19 USD/kWh...”, ông Franz Gerner nhấn mạnh. 

Vị này cũng cho rằng, việc tăng giá điện sẽ giúp đưa giá điện về gần hơn với mức phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất mà mọi người sử dụng đều có thể chi trả được và đồng thời bảo vệ được người tiêu dùng thu nhập thấp thông qua mạng lưới an sinh sẵn có.

Tuy nhiên, chuyên gia của World Bank nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á Thái Bình Dương, nhu cầu và điện tăng trong thời gian tới là tất yếu. Các nguồn mới như than và điện nhập từ Lào và Trung Quốc và các nguồn trong nước như các mỏ khí mới, điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn trước đây.

“Giá thành sản xuất điện, và giá bán lẻ sẽ phải tăng thì mới đảm bảo phát triển ngành Điện bền vững và cấp điện ổn định”, ông Franz Gerner nói. 

Thực tế, giá điện Việt Nam được điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế này có độ trễ nhất định, tức giá bán bán không phản ánh được chi phí đầu vào sản xuất. Theo tính toán, chi phí sản xuất đã bị đội lên năm 2018 và 2019 gần 21.000 tỷ đồng (năm 2018 là 5.400 tỷ đồng, năm 2019 ước tính tăng lên 15.200 tỷ đồng bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và giá khí bao tiêu theo thị trường) song giá điện đầu ra vẫn được khoá chặt. 

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định với cơ chế thị trường hiện nay giá điện cần thay đổi, bởi nếu chúng ta cần tăng trưởng ở mức cao thì nhu cầu điện sản xuất, tiêu dùng rất lớn nên việc thu hút thêm đầu tư vào sản xuất điện là rất cần thiết. Một trong những công cụ cần thay đổi để thu hút đầu tư vào ngành Điện đó là giá, nên việc tăng giá điện sắp tới là hợp lý. 

Theo quy hoạch điện, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong các năm tới, cả nước cần tới 60.000 MW vào năm 2020, năm 2025 cần 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW. Trong khi đó, giá điện hiện nay không thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc điều chỉnh giá theo thị trường sẽ là một giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng cho nền kinh tế.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng, cơ chế giá điện đang có vấn đề, cần phải có tư duy lại về giá điện và cơ chế định giá. Câu chuyện là tiếp cận thị trường, cơ chế giá điện theo thị trường.   

Vị chuyên gia này từng nhấn mạnh việc giá điện Việt Nam mang tính chính trị rất cao do đó, chỉ khi giá điện theo cơ chế thị trường thì an ninh năng lượng quốc gia mới được ổn định lâu dài.

Hơn nữa, việc giá điện thấp cũng vô tình thu hút những dự án đầu tư tiêu tốn năng lượng ở Việt Nam. Giá điện thấp cũng có nghĩa là không khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng bởi chi phí đầu vào phục vụ sản xuất thì cao, nhưng giá bán đầu ra lại thấp.

Nguồn tin: Theo Vietnamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây