Với kế hoạch này, tính toán cân đối cung cầu, cũng như lường trước khó khăn, thách thức đặt ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm cung ứng đủ điện, an toàn và ổn định cho cả năm 2019, nhất là khu vực phía nam.
Nhu cầu phụ tải tăng cao
Theo EVN, thông số đầu vào cơ bản để lập kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện gồm: tần suất nước về các hồ thủy điện là 65%, mực nước đầu năm 2018 của các hồ thủy điện hụt so mực nước dâng bình thường (MNDBT) tương ứng 2,56 tỷ kW giờ. Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện mới được đưa vào vận hành năm 2019 dự kiến là 4.292,8 MW. Trong tháng 1 vừa qua, sản lượng toàn hệ thống ước đạt 17,149 tỷ kW giờ (bình quân 609,3 triệu kW giờ/ngày), tăng 9,27% so cùng kỳ năm 2018 và cao hơn 3,3 triệu kW giờ/ngày so kế hoạch năm. Mực nước các hồ chứa tại thời điểm đầu năm 2019 được giữ ở mức xấp xỉ MNDBT, tổng sản lượng hữu ích trong các hồ tại thời điểm đầu năm là 12,1 tỷ kW giờ, hụt so MNDBT là 2,9 tỷ kW giờ, thấp hơn 340 triệu kW giờ so kế hoạch năm. EVN đã cập nhật xu thế diễn biến thủy văn của từng hồ để tính toán cập nhật cân bằng cung cầu điện cho tháng 2 dựa theo xu thế nước về trong hai tháng trước đó. Ðối với các tháng còn lại trong năm, Tập đoàn cân đối với tần suất 65% tương tự kế hoạch năm.
Nguyên tắc điều tiết các hồ chứa năm 2019 là bảo đảm tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ được phê duyệt, trong đó ưu tiên ở mức cao nhất có thể để bảo đảm nhu cầu tưới tiêu, đẩy mặn, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong các tháng mùa khô theo yêu cầu của các địa phương. EVN đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan để khai thác tối ưu lượng nước còn lại trong các hồ; ở miền nam và nam miền trung, điều tiết giữ ở mực nước cao đến cuối mùa khô để bảo đảm cung cấp điện cho miền nam. Khả năng cấp khí cho điện từ phía thượng nguồn các tháng mùa khô của Khí Nam Côn Sơn và Cửu Long đạt 20 triệu đến 20,5 triệu m3 khí/ngày; Khí PM3-CAA ở mức 4,4 triệu m3/ngày. Với các thông số đầu vào trên, EVN đã tính toán cân bằng cung cầu điện năng cho toàn hệ thống. Theo đó, hệ thống điện quốc gia bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải trong mùa khô và cả năm. Trong các tháng còn lại của mùa khô, các nguồn nhiệt điện than và tua-bin khí miền nam được huy động tối đa để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Các nguồn thủy điện miền trung, nam được điều tiết, khai thác tiết kiệm để bảo đảm cung cấp điện hết mùa khô. Các nguồn nhiệt điện dầu dự kiến huy động từ tháng 3 để bảo đảm cấp điện cho miền nam với dự kiến sản lượng huy động trong mùa khô là 742 triệu kW giờ, thấp hơn 1,7 tỷ kW giờ so kế hoạch năm (2,435 tỷ kW giờ).
Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, thông thường, tháng 4 là cao điểm mùa khô ở miền nam và các tháng 6, 7 là cao điểm nắng nóng ở miền bắc, do đó, EVN đã xây dựng phương án bảo đảm điện trong những dịp này với dự kiến công suất cao hơn 20% so ngày cao nhất năm 2018. Việc bảo đảm cấp điện cho miền nam năm 2019 phụ thuộc rất lớn việc vận hành ổn định, tin cậy của các tổ máy nhiệt điện than tại các Trung tâm Ðiện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải và Phú Mỹ. Do nước về các hồ thủy điện cuối năm 2018 và đầu năm 2019 tốt, cho nên tổng sản lượng thủy điện dự kiến huy động trong mùa khô là 28,5 tỷ kW giờ, cao hơn 796 triệu kW giờ so kế hoạch năm (27,7 tỷ kW giờ). Về truyền tải, xu hướng vẫn là truyền tải điện từ phía bắc vào phía nam với công suất và sản lượng cao trong cả năm. Như vậy, so kế hoạch năm, sản lượng thủy điện dự kiến cao hơn 796 triệu kW giờ và tăng lượng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, tăng huy động từ nhiệt điện khí cao hơn 1,348 tỷ kW giờ (do khả năng cấp khí cao hơn), cho nên có thể giảm 1,7 tỷ kW giờ nhiệt điện dầu. Trong tháng 2, EVN đã đánh giá lại tình hình cân đối cung cầu và lập năm phương án khác nhau với việc tính đến các mức độ rủi ro khác nhau nhưng tựu trung vẫn bảo đảm cấp điện ổn định cho mùa khô 2019. Theo đó, những rủi ro được EVN tính đến, đó là lượng khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cấp cho các nhà máy nhiệt điện (NMNÐ) khí chưa đủ để phát huy tối đa công suất bởi đôi lúc vẫn xảy ra sự cố; các NMNÐ than nội địa vẫn gặp khó khăn về nguồn cung do khả năng cấp than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Ðông Bắc hạn chế; tình huống vận hành không ổn định của các NMNÐ than và tua-bin khí vì mùa khô sẽ huy động tối đa các nguồn này; tính toán phương án nước về tần suất 65%, nếu nước về kém hơn dự báo thì sẽ phải dùng nguồn đắt hơn để bù vào.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Ðể bảo đảm cấp đủ điện cho mùa khô và cả năm, EVN đang tập trung triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, gồm: giao Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC) thường xuyên cập nhật các thông số đầu vào, tính toán cân bằng cung cầu điện; điều hành tối ưu hệ thống điện; chuẩn bị sẵn sàng các phương án cung ứng điện và xử lý sự cố xảy ra. Ðồng thời, điều tiết các hồ thủy điện để tích nước cao nhất có thể, bảo đảm khả dụng nguồn cao nhất cho mùa khô, nhất là các nguồn thủy điện phía nam. Giải quyết triệt để hạn chế, đưa vào vận hành hiệu quả các ứng dụng hệ thống quản lý năng lượng (EMS) phục vụ vận hành thời gian thực và điều độ tối ưu hệ thống nguồn, lưới; giảm tổn thất điện năng truyền tải trên hệ thống. EVN đã chỉ đạo các nhà máy điện trực thuộc bố trí lịch bảo dưỡng hợp lý các tổ máy phát điện; rút ngắn tối đa thời gian sửa chữa, bảo đảm độ khả dụng cao nhất trong mùa khô. Năm nay, EVN phấn đấu đưa năm tổ máy, tổng công suất 1.560 MW vào vận hành, đẩy nhanh tiến độ hòa lưới các tổ máy nhiệt điện đang đầu tư xây dựng như Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng; giao sản lượng cho các NMNÐ theo từng tháng và cả năm ngay từ cuối năm trước để chủ động bố trí kế hoạch sản xuất.
Việc bảo đảm nhiên liệu cho các NMNÐ cũng hết sức quan trọng. Năm 2018, EVN đã làm việc với TKV, thỏa thuận hợp tác để các NMNÐ ký hợp đồng mua than dài hạn; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương chính thức có hướng dẫn việc mua than từ các đơn vị kinh doanh than hợp pháp cho sản xuất điện thay thế cho Chỉ thị 21/CT-TTg (quy định chỉ được mua than của TKV và Tổng công ty Ðông Bắc). Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận nguyên tắc cho phép các đơn vị chủ sở hữu các NMNÐ được phép nhập khẩu than để phát điện. EVN cũng đã làm việc với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) đôn đốc tìm kiếm các nguồn khí mới, bổ sung các nguồn khí 06.1 và 11.2 đang bị suy giảm và tích cực nhập khẩu khí LNG. EVN kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo PVN bảo đảm đủ khí cho phát điện, hạn chế điều chỉnh kế hoạch sửa chữa các nguồn khí, rút ngắn thời gian ngừng cấp khí để bảo dưỡng các hệ thống khí Nam Côn Sơn và PM3-CAA, nhất là không gây giảm cấp khí trong mùa khô; sớm tìm kiếm, đấu nối bổ sung các nguồn khí mới để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng do suy giảm, về lâu dài có phương án cấp bù bằng LNG; vận hành ổn định các tổ máy của NMNÐ Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Vũng Áng 1. Ðồng thời, rút ngắn tiến độ đưa mỏ Phong Lan Dại vào khai thác trong thời gian sớm nhất có thể (tiến độ cũ là hoàn thành trong tháng 11-2018). Ưu tiên nhường toàn bộ khí từ Ðạm Cà Mau và GPP Cà Mau để phát điện trong trường hợp sự cố khí PM3 hoặc khi hệ thống điện quốc gia có nguy cơ phải huy động các nguồn điện chạy dầu.
Bên cạnh các giải pháp trên, việc thực hiện tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. EVN kiến nghị các địa phương kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện đối với các doanh nghiệp thuộc cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định ban hành hằng năm của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm hành chính trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ban hành chính sách đủ mạnh nhằm hạn chế các thiết bị sử dụng điện kém hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Cùng với đó, EVN đang thúc đẩy việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái tại trụ sở các công ty điện lực; triển khai Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt và Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm.
EVN đã giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và các Tổng công ty Điện lực kiểm tra, củng cố lưới điện cao áp 500/220/110kV, bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho phía nam. Chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị dự phòng, nhân lực để sẵn sàng xử lý nhanh khi có sự cố; chủ động rà soát tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực để điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu cấp điện mới của các nhà đầu tư. Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ tại kế hoạch năm; bảo đảm tiến độ các công trình lưới điện trọng điểm.