Đoàn khảo sát do Thứ trưởng Hồ Sỹ Hùng - Bộ Tài chính làm việc tại PPC
Đoàn khảo sát có sự tham gia của đại diện Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường); Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) – đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon; cùng đại diện Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – hai đơn vị tổ chức giao dịch carbon trong tương lai; Cục Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước và Cục Phát triển Doanh nghiệp Tư nhân và Kinh tế Tập thể.
Về phía Tổng công ty Phát điện 2, buổi làm việc có sự tham dự của ông Nguyễn Hữu Thịnh – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, cùng đại diện Văn phòng và các Ban chức năng. Về phía Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, làm việc với đoàn công tác có ông Mai Quốc Long – Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng Giám đốc, các thành viên Ban điều hành và đại diện các phòng, ban chuyên môn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Quốc Long- Chủ tịch HĐQT PPC khẳng định: “Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức toàn cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh. Trong thời gian qua, PPC đã chủ động tiếp cận các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank, ADB và sáng kiến JETP để tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, cũng như giải pháp chuyển đổi năng lượng bền vững. Công ty cũng đang xây dựng lộ trình chuyển đổi trung và dài hạn, triển khai các dự án môi trường, tăng cường tuyên truyền nội bộ, và cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu về kiểm kê khí nhà kính và quản lý năng lượng”.

Ông Mai Quốc Long - Chủ tịch Hội đồng Quản trị PPC phát biểu tại buổi làm việc.
Liên quan đến nội dung này, Tổng Giám đốc PPC Nguyễn Hoàng Hải đánh giá: “Việc tham gia thị trường carbon là xu thế tất yếu và là cơ hội để PPC chuyển đổi theo hướng hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, PPC đang gặp không ít khó khăn như thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, trình độ nhận thức về carbon market còn sơ khai và thiếu hướng dẫn chính sách cụ thể”. Ông cũng đề xuất các cơ quan quản lý sớm có hướng dẫn chi tiết và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành trong quá trình chuyển đổi.
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng Giám đốc PPC phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, theo Quyết định số 232/QĐ-TTg về phát triển thị trường carbon, sàn giao dịch carbon tại Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm từ năm 2025 đến 2028, trước khi đi vào vận hành chính thức. Khi hoạt động, sàn sẽ là nơi giao dịch tập trung hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trong nước, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và công bằng cho các chủ thể tham gia.
Bà Nguyễn Cẩm Anh – Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Sỹ Hùng ghi nhận những nỗ lực của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại – một trong những đơn vị có bề dày lịch sử và vai trò quan trọng trong ngành Năng lượng Việt Nam. Trước bối cảnh nhiều thay đổi về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến chuyển dịch năng lượng và phát triển xanh, Thứ trưởng cho rằng cần có sự đồng hành mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng để doanh nghiệp có thể thích ứng và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc
Thứ trưởng đề nghị các Bộ, Ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Tổng công ty Lưu ký Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và các đơn vị chức năng khác tích cực phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Bằng cách khẩn trương ban hành các quy định hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho Nhiệt điện Phả Lại và các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon; xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, giúp nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân sự trong việc tiếp cận và thực hiện các tiêu chuẩn phát thải, tín chỉ carbon; tổ chức các đoàn công tác khảo sát thực tế, trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghệ và mô hình hoạt động,…
Việc tham gia thị trường carbon không chỉ là yêu cầu tất yếu để thích ứng với xu thế toàn cầu hóa mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp ngành Điện tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và giảm phát thải khí nhà kính.
Tác giả: Đăng Khương – Phương Thảo.
Ảnh: Thu Trang.