EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

Định hướng cơ bản về công tác tự động hóa của Nhiệt điện Phả Lại trong giai đoạn 2024 – 2029

Chủ nhật - 29/12/2024 23:18    Đã xem: 321    0
Năm 2024 là một năm có tính chất quan trọng trong công tác chuyển đổi số của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, đó là năm bản lề để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản trong định hướng công tác Tự động hóa giai đoạn 2024-2029 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, góp phần thúc đẩy Đơn vị nhanh chóng trở thành doanh nghiệp số, vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cách mạng khoa học lần thứ 4, kỷ nguyên của chuyển đổi số.
Như đã biết, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên 4.0, kỷ nguyên của công nghệ số mà trọng tâm là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kéo theo đó là sự thay đổi toàn diện về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Thông qua kết nối Internet vạn vật, công nghệ tự động hóa trong kỷ nguyên số (Tự động hóa thông minh - Intelligent Automation, Tự động hóa không giới hạn - No Limit Automation...) đã phát triển mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả vượt trội, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí hơn nhiều lần với lao động thủ công truyền thống…
 
Tự động hóa hệ thống quy trình mang lại nhiều lợi ích lớn cho Doanh nghiệp

Là một phần trong đề án: “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu chung tay xây dựng cùng EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, hướng tới xây dựng Nhà máy điện của tương lai với sự vận hành thông minh và linh hoạt, có thể dự kiến và chuẩn đoán tương lai một cách chính xác. Trên cở sở định hướng cơ bản công tác Tự động hóa giai đoạn 2024 – 2029 của EVN, trong năm 2024 PPC đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp dành cho tự động hóa công nghiệp trên nền tảng tổng thể của chuyển đổi số, cùng với sự kết hợp công nghệ và tự động hóa thông minh nhằm đem lại lợi ích vận hành và quản trị chiến lược vào trong sản xuất kinh doanh của Đơn vị.

Mục tiêu trong công tác Tự động hóa tại PPC

Mục tiêu tổng quát cũng là cốt lõi của vấn đề là ứng dụng các giải pháp tự động hóa để mang lại hiệu quả tối đa trong công tác vận hành và điều hành Nhà máy điện thông minh, khai thác nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa trong các Tổ máy, từ đó đáp ứng các chỉ tiêu hiện đại hóa, tiến tới sự vận hành Nhà máy linh hoạt, tin cậy, ổn định. Trong tương lai, Công ty phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu về ứng dụng và làm chủ lĩnh vực tự động hóa sản xuất điện năng.

Cùng với mục tiêu tổng quát, Công ty cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể để thực thi các nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay như: Hoàn thành các chỉ tiêu hiện đại hóa nhà máy điện; Nâng cấp xây dựng Nhà máy điện thông minh; Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng; Thay thế hoàn toàn công tác ghi thông số bằng tay bằng sổ vận hành điện tử, báo cáo vận hành điện tử, nhật ký vận hành điện tử và đồng bộ cơ sở dữ liệu lên hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS); Số hóa toàn bộ công tác cấp phiếu thao tác, lệnh thao tác trên hệ thống; Đạt tỷ lệ 100% kết nối SCADA với các trung tâm điều độ và trung tâm điều khiển theo giao thức IEC60870-5-104; Tự động hóa công tác quản lý nhiên liệu cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo yêu cầu vận hành của hệ thống điện…

Để triển khai từ nhận thức sang hành động, hàng tuần, hàng tháng các Phòng/Phân xưởng của Đơn vị đều phải báo cáo tiến độ thực hiện công tác tự động hóa trong toàn nhà máy để Ban chỉ đạo chuyển đổi số Công ty (BCĐ) theo dõi, giám sát. Định kỳ từng Quý, BCĐ đều tiến hành họp để nắm bắt tiến độ công việc, đồng thời nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc gặp phải để thúc đẩy công tác tự động hóa một cách hiệu quả nhất. Ông Mai Quốc Long - Chủ tịch HĐQT, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số Công ty khái quát: “Tự động hóa thông minh (IA) là sự kết hợp giữa Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác như Học máy (ML), Xử lý tài liệu thông minh (IDP) và Khai thác quy trình để mở rộng phạm vi tự động hóa...Việc ứng dụng tự động hóa thông minh vào sản xuất giúp sẽ giúp Đơn vị tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Cùng với sự định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, PPC sẽ khẩn trương, nhanh chóng triển khai công tác tự động hóa vào các hệ thông, tiến tới xây dựng Nhà máy điện thông minh nhằm tăng cường năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, xử lý nhanh, nhạy, chính xác, đảm bảo mọi tình huống, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu với độ chính xác cao để Lãnh đạo Đơn vị có thể kiểm soát chặt chẽ hơn các quá trình sản xuất, nhanh chóng phát hiện và khắc phục kịp thời các vấn đề phát sinh…tiến tới khẳng định và nâng tầm vị thế của Doanh nghiệp trong tương lai”.

 
Ban chỉ đạo công tác chuyển đổi số họp phiên 3 năm 2024

Các giải pháp thực hiện

Với những nỗ lực không ngừng của toàn thể CBCNV Công ty, trong năm 2024, Công ty cổ phần Nhiệt điện đã và đang triển khai các giải pháp tự động hóa các hệ thống, nhằm phát huy tối đa giá trị của nó mang lại, cụ thể có thể kể đến các giải pháp như sau:

Một là, triển khai các giải pháp tự động hóa cho nhà máy điện: Thực hiện trang bị các hệ thống điều khiển, nhưng yêu cầu đào tạo chuyển giao, tập trung khai thác chuyên sâu các tính năng để các đơn vị phát điện cơ bản làm chủ trong quá trình vận hành, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa (hướng tới RCM).

Hai là, thu thập, quản lý và khai thác tự động, hiệu quả dữ liệu.

Ba là, đảm bảo an toàn thông tin.

Bốn là, nhanh chóng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về tự động hóa.

Năm là, có kế hoạch hợp tác nghiên cứu và phát triển các hệ thống tự động hóa.

Đặc biệt, trong năm 2024, PPC đã triển khai nghiên cứu các công cụ, giải pháp tự động hóa kết hợp trí tuệ nhân tạo, từng bước áp dụng để hướng tới một hệ thống Tự động hóa tiên tiến trong tương lai – Hệ thống Hyperautomation.

Khó khăn, thách thức

Những ưu điểm trong ứng dụng tự động trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay là rất rõ rệt và mang lại hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại vẫn gặp phải những thách thức lớn phải đối mặt: Thứ nhất, các công nghệ chuyển đổi số thay đổi rất nhanh chóng nên đơn vị rất khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ nào là phù hợp, tiên tiến; Thứ hai, đó là yếu tố về con người: Các thiết bị, máy móc thông minh không chỉ là công cụ làm việc nữa mà còn là một lực lượng thông minh, thậm chí hơn cả con người trong một số hoạt động lặp đi lặp lại, hiệu suất làm việc 24/24. Do đó, tương lai gần các công việc thủ công sẽ phải thay thế bởi quá trình tự động hóa, cùng với đó là sự đòi hỏi năng lực của người lao động phải được nâng cao và thích ứng. Tuy nhiên, số lượng nhân lực làm công tác tự động hóa tại PPC còn hạn chế, chưa đáp ứng hoàn toàn được với yêu cầu đề ra; Thứ ba, việc đầu tư để có được sơ sở hạ tầng đầy đủ, hiện đại, cần thiết vận hành hệ thống tự động hóa đòi hỏi chi rất nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của Đơn vị; Thứ tư, công tác tự động hóa triển khai rộng khắp làm nguy cơ mất an toàn thông tin sẽ tăng lên, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến cả an ninh năng lượng quốc gia, vì vậy, việc triển khai công tác tự động hóa cần phải rất cẩn trọng.

Định hướng cơ bản trong năm 2025 và các năm tiếp theo

Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các giải pháp tự động hóa trong năm 2024, trong năm 2025 và các năm tiếp theo, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại sẽ nghiên cứu các công cụ, giải pháp tự động hóa kết hợp trí tuệ nhân tạo, từng bước áp dụng để hướng tới một hệ thống Tự động hóa thông minh trong tương lai: Nghiên cứu ứng dụng và khai thác mạnh hơn nữa Internet vạn vật công nghiệp hay IoT công nghiệp (IIoT - Industrial Internet of Things) trong hệ thống mạng điều khiển công nghiệp, kết nối máy móc, cảm biến, máy tính và con người với nhau, sử dụng các thuật toán, công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến thông minh để giúp Đơn vị đưa ra các quyết định chính xác trong công tác quản lý (dự đoán thời gian bảo trì, theo dõi tình trạng thiết bị,...); Nghiên cứu, ứng dụng smart factory vào sản xuất điện…

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng toàn thể CBCNV Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại quyết tâm đoàn kết, thống nhất, thực hiện theo đúng định hướng cơ bản công tác Tự động hóa trong giai đoạn 2024 – 2029 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành công cuộc cách mạng 4.0 trong tương lai, đưa doanh nghiệp vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên 4.0, kỷ nguyên của công nghệ số.

 
Đức Nam, Ngọc Phương- PPC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây