Tham dự buổi làm việc có: Ông Lưu Xuân Vĩnh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; đại diện các cục, vụ liên quan của Bộ Công Thương.
Về phía EVN có: Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN; lãnh đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Nam.
Xác định "điểm nghẽn"
Theo báo cáo của EVN, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 41 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 2.447 MW đã được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, tính đến 30/6/2019, đã có 18 nhà máy với tổng công suất 1.156 MW đưa vào vận hành. Các nhà máy này đấu nối chủ yếu qua đường dây 220 kV Tháp Chàm - Vĩnh Tân và đường dây 110 kV Tháp Chàm - Phan Rí.
Việc nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn, đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110 kV - 500 kV. Nguyên nhân chính là do việc đầu tư các dự án lưới điện truyền tải không theo kịp với tiến độ xây dựng các nhà máy điện mặt trời. Cụ thể, thời gian xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi để hoàn thành một dự án lưới điện truyền tải mất từ 3-5 năm.
Thời gian qua, EVN và các đơn vị trực thuộc đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm giải tỏa tối đa công suất của các nhà máy điện NLTT như: Đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện; công khai, minh mạch mọi thông tin cho các chủ đầu tư; ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tính toán, phân bổ công suất...
EVN cũng đã báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung các dự án lưới điện truyền tải vào quy hoạch để giải tỏa công suất các nhà máy điện NLTT. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án lưới điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng,…
Cần sự chung tay của chủ đầu tư
Để tháo gỡ khó khăn trong việc giải tỏa công suất điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, EVN đề xuất lắp đặt tạm hai trạm biến áp 220 kV (Vĩnh Tân và Phước Thái), dự kiến hoàn thành trong quý 2/2020. Các trạm này sẽ cơ bản giải tỏa hết công suất cho những nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019.
Để đáp ứng tiến độ trên, EVN đề xuất các chủ đầu tư nhà máy điện NLTT đầu tư lắp đặt trạm, sau khi hoàn thành cho EVN thuê vận hành. EVN cũng kiến nghị tỉnh Ninh Thuận chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về cơ chế thực hiện.
"EVN rất cần sự chia sẻ, chung tay của các chủ đầu tư. Về phía EVN, Tập đoàn và các đơn vị sẽ tập trung mọi giải pháp, nỗ lực tối đa để đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải" - ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN khẳng định.
Tham dự buổi làm việc ngày 7/10, đại diện các chủ đầu tư như Công ty CP Xây dựng Vịnh Nha trang, Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam cảm ơn EVN đã tổ chức các cuộc họp, thường xuyên sâu sát với các chủ đầu tư trong việc tìm phương án giải tỏa công suất điện mặt trời. Các chủ đầu tư cũng đồng tình với phương án chung tay xây dựng trạm tạm theo đề xuất của Tập đo
Ông Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao sự chủ động, tích cực của EVN. Tỉnh Ninh Thuận đồng tình, ủng hộ chủ trương đầu tư trạm tạm, cũng như bổ sung quy hoạch các dự án lưới điện. "Cần có tính toán chi tiết, công khai, minh bạch để huy động hiệu quả nguồn lực từ các chủ đầu tư" - ông Lưu Xuân Vĩnh cho hay.
Tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ hỗ trợ tối đa các đơn vị trong EVN về công tác giải phóng mặt bằng cho xây dựng các dự án lưới truyền tải. Với những trường hợp vượt quá thẩm quyền, tỉnh sẽ xin ý kiến chi đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng mong muốn EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng hành với tỉnh để góp phần xây dựng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của các nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn