PV: Hiện nay các chủ đầu tư dự án ĐMT đã được hòa lưới tại Ninh Thuận, Bình Thuận gặp khó vì tỷ lệ sa thải phụ tải quá lớn. Bộ sẽ làm gì để giải tỏa công suất ĐMT, thưa ông?
Ông Hoàng Quốc Vượng: Có thực tế là Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh chưa tính đến khả năng phát triển mạnh ĐMT nên không xem xét đến truyền tải liên tỉnh, liên vùng nên đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ lưới điện như vừa qua tại một số khu vực tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai một số công trình lưới điện 110 kV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận...
Đầu tư xây dựng các dự án lưới điện đã được quy hoạch tại địa phương và các công trình truyền tải được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch là giải pháp để giải tỏa công suất ĐMT một cách căn cơ. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy hoạch điện lực địa phương cho các dự án ĐMT. Quá trình này phải được tiến hành trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch và theo đúng quy định hiện hành, trong đó chú trọng không được gây quá tải lưới điện tỉnh đã được quy hoạch. Mặt khác cần nhấn mạnh, lưới điện quy hoạch chứ không phải lưới điện hiện trạng.
PV: Chính phủ đã có chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải (LĐTT). Vậy Bộ Công Thương dự kiến tập trung vào cơ chế nào để thu hút nhà đầu tư tư nhân?
Ông Hoàng Quốc Vượng: Ngay khi có chỉ đạo trên, Bộ Công Thương, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư lưới điện truyền tải (LĐTT). Trong đó, Bộ đã đánh giá việc thực hiện đầu tư LĐTT theo các quy định pháp luật hiện hành: Luật Điện lực, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực Nghị định số 94/2017/NĐ-CP ngày 10-8-2017 của Chính phủ về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4-5-2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư...
Qua đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét: Một là, có ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, làm rõ Luật Điện lực về quy định độc quyền Nhà nước trong hoạt động truyền tải để làm cơ sở thực hiện xã hội hóa (XHH) đầu tư LĐTT. Hai là, trong trường hợp quy định về đầu tư LĐTT là độc quyền Nhà nước, để thực hiện được cơ chế XHH chỉ riêng đối với hoạt động đầu tư LĐTT thì cần phải sửa đổi quy định tại Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét các ý kiến của Bộ Công thương.
Mặt khác, để thu hút tư nhân vào đầu tư lưới điện, trước mắt cần có quy định pháp lý đầy đủ để thực hiện. Trường hợp, các quy định pháp luật cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để thực hiện đầu tư tư nhân vào LĐTT, việc xóa bỏ một phần (chỉ đầu tư) hay hoàn toàn độc quyền cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở kinh nghiệm các nước trên thế giới, đánh giá các tác động, nhất là các công trình quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hệ thống như các công trình cấp 500 kV...
PV: Thưa ông, giá mua ưu đãi ĐMT đã kết thúc vào ngày 30/6, nhưng kể từ đó đến nay vẫn chưa có biểu giá mới. Ông có thể nói gì với những nhà đầu tư đang hết sức trông đợi?
Ông Hoàng Quốc Vượng: Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án giá bán ĐMT với mức giảm khoảng 25% so với giá bán điện tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. Đề xuất này được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá lại thị trường thiết bị về giá, hiệu suất, tham khảo tư vấn quốc tế...
Mặt khác, hiện nay Bộ cũng đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như WB, USAID, GIZ... nghiên cứu cơ chế phát triển NLTT dự kiến áp dụng sau năm 2021. Theo đó, các NĐT phát triển các dự án NLTT sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu giá. Nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là NĐT đưa ra giá bán điện từ dự án NLTT thấp nhất. Cơ chế này đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các NĐT, bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án NLTT và LĐTT.
PV: Nhìn dài hạn, NLTT có vị trí như thế nào trong quy hoạch điện, thưa ông?
Ông Hoàng Quốc Vượng: Hiện nay Bộ Công Thương đang lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 có xét tới năm 2050 (Quy hoạch điện 8) với quan điểm và mục tiêu phát triển: Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng NLTT (chủ yếu là điện gió trên đất liền, điện gió trên biển; ĐMT, thủy điện nhỏ), tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện. Mặt khác chú trọng phát triển các nguồn điện nhỏ sử dụng NLTT đấu nối với lưới điện phân phối, góp phần giảm tổn thất điện năng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Theo nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn