Các tổng công ty điện lực thực hiện đúng quy định
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, qua kiểm tra thực tế, công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCT đã được các đơn vị điện lực thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá và đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.
Các công ty điện lực cũng đã thực hiện nghiêm túc công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện (trong tháng thay đổi giá), áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện theo đúng quy trình kinh doanh của EVN, cũng như tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện vả Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương.
Kiểm tra thực tế việc chốt chỉ số công tơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy, các tổng công ty điện lực và các công ty điện lực đã thực hiện đúng quy trình.
Các khách hàng có kiến nghị đã hài lòng
Qua kiểm tra, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân chính: Sản lượng điện tiêu thụ tăng do thời tiết nắng nóng; tác động của việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36%; kì ghi chỉ số công tơ tháng 4/2019 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kì ghi chỉ số của tháng 3/2019.
Trước, trong và sau thời gian điều chỉnh giá điện, các trung tâm chăm sóc khách hàng của các tổng công ty điện lực đã chuẩn bị kĩ càng, có kế hoạch đầy đủ cho việc giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện. Đoàn kiểm tra đã trực tiếp nghe lại xác suất các cuộc gọi, các khách hàng đều hài lòng và đồng ý với kết quả giải quyết của điện lực.
Cụ thể, từ ngày 20/3-4/5/2019, EVN đã tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện; trong đó có 14.541 (chiếm 20%) khách hàng thắc mắc về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện. Các kiến nghị, thắc mắc của khách hàng đã được các đơn vị điện lực kịp thời kiểm tra, giải đáp và khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết của ngành Điện.
Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết số lượng khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc về hóa đơn tiền điện trên các phương tiện thông tin đại chúng không nhiều. Từ ngày 20/3/2019 - 4/5/2019, có tổng số 11 bài báo trên các báo mạng và báo in, 8 trường hợp đăng trên facebook có địa chỉ cụ thể. Các khách hàng này đều đã được các đơn vị điện lực chủ động liên hệ, giải thích cặn kẽ và kịp thời; 100% trường hợp đã hiểu và đồng ý với cách giải quyết của điện lực.
Ngoài ra, các đơn vi điện lực cũng đã thực hiện đúng và đầy đủ công tác phúc tra chỉ số công tơ với đối tượng khách hàng có sản lượng điện tăng từ 1,5 - 2 lần; xây dựng kế hoạch truyền thông và triển khai tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau xoay quanh các nội dung về giá điện và sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Nghiên cứu biểu giá điện bậc thang mới
Cũng theo Bộ Công Thương, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời. Việc lưu trữ điện năng rất đắt và tốn kém. Do đó, khi huy động các nhà máy điện phát điện, ngành Điện sẽ thực hiện theo nguyên tắc, huy động các nhà máy có giá rẻ phát điện trước, nhà máy đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Chính vì vậy, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiện nay nhiều nước trên thế giới, kể cả những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippine đều áp dụng giá điện theo các bậc thang, và giá các bậc thang sau cũng cao hơn bậc thang đầu tương tự Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi các phương án giá điện bậc thang. Tuy nhiên, khi tính tới các mục tiêu như đảm bảo an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đơn giản trong sử dụng, phương án giá điện bậc thang hiện nay vẫn được nhiều người chấp nhận hơn cả.
Ở nước ta, năm 2018, có trên 9 triệu hộ dân sử dụng điện ở mức 100 kWh/tháng trở xuống, chiếm khoảng 35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt cả nước. Do vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho bậc 1 (từ 0-50 kWh) và bậc 2 (từ 51-100 kWh) được tính toán tương ứng chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, nhằm hỗ trợ tiền điện cho các hộ thu nhập thấp. Các bậc thang còn lại giá cao hơn.
Tuy nhiên, do đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu điện sinh hoạt ngày càng tăng cao; việc lắp đặt công tơ điện tử thay cho công tơ cơ khí cho hộ sinh hoạt ngày càng nhiều, nên việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá điện mới cho các hộ gia đình là cần thiết.
Thời gian tới, Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về ngành Điện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với khách hàng sinh hoạt, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo các mục tiêu an sinh, xã hội.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và phát triển thị trường điện, với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập đất nước.
Nguồn tin: M. Tâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn