EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

Nâng cao hiệu quả các Tổng công ty Phát điện - Bài 3: Loay hoay bài toán nhiên liệu

Thứ hai - 08/07/2019 09:09    Đã xem: 1100    0
Tại cuộc họp cuối tuần qua về thực hiện Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2016-2020) của các Tổng công ty phát điện, một trong những nội dung được quan tâm và bàn luận nhiều đó là khâu cung cấp nhiên liệu.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Bởi nguồn nhiên liệu khí cung cấp cho các nhà máy điện đang bị suy giảm, nhiên liệu than trong nước không đủ cung cấp cho sản xuất điện, điều này tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
 
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3), ông Đinh Quốc Lâm cho hay, 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang thiếu khoảng 200.000 tấn than theo kế hoạch cho EVNGENCO 3, đó là một thực tế. 
 
Để giải quyết vấn đề thiếu than cho sản xuất điện của Tổng công ty, với Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, EVNGENCO 3 đã mua than 6a.1 từ nguồn nội địa của TKV với khối lượng 3,4 triệu tấn/năm, đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất của nhà máy. Đồng thời nhà máy sẽ nhận thêm 400.000 tấn than trộn và 0,5 triệu tấn than nhập khẩu của  Tổng công ty Đông Bắc có chất lượng tốt hơn và giá rẻ hơn than nội địa.
 
Với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Tổng công ty Đông Bắc đã ký Hợp đồng cung cấp 0,7 triệu tấn than 6a.1 nội địa và khoảng 0,3 triệu tấn than Antraxit nhập khẩu. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã ký Hợp đồng với TKV cung cấp 1,86 triệu tấn than, bao gồm 0,66 triệu tấn than 6a.1 nội địa và 1,2 triệu tấn than Antraxit nhập khẩu pha trộn.
 
Mặt khác, EVNGENCO 3 còn chủ động triển khai mua than nhập khẩu để bổ sung lượng than thiếu hụt cho các nhà máy nhiệt điện. Riêng 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty đã nhập khẩu khoảng 284.000 tấn than Sub-Bitum, 155.000 tấn than Antraxit từ Nam Phi với giá thấp hơn than trong nước và chuẩn bị kế hoạch nguồn năng lượng cho năm sau.
 
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 vừa qua, EVNGENCO 3 tiếp tục triển khai giai đoạn hoàn thiện của Đề  án đốt than trộn cho các tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, đồng thời chủ động hơn về nguồn than sử dụng, nâng cao chất lượng tro xỉ đáp ứng các nhu cầu của thị trường, giảm khối lượng tro xỉ phát sinh, góp phần giảm chi phí xử lý môi trường.
 
Tuy nhiên, theo ông Lâm, mặc dù tro xỉ các nhà máy nhiệt điện đều đã được cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy vào mục đích làm vật liệu xây dựng, san lấp nhưng đến nay việc tìm kiếm các đối tác tiêu thụ tro xỉ ổn định, lâu dài còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ chưa cao.
 
Một khó khăn nữa là trong các năm 2019-2020, suất tiêu hao nhiên liệu khí và than của EVNGENCO 3 dự kiến sẽ gặp khó khăn khi chỉ tiêu giao năm sau thấp hơn năm trước, trong điều kiện các nhà máy điện tuabin khí đã vận hành trên 20 năm, tình hình cung cấp khí và than không đảm bảo các tổ máy chạy ở công suất cao. 
 
Còn đối với Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2), ông Trương Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc cho rằng tuy việc cấp than đã được cải thiện nhưng Tổng công ty vẫn phải dự trù kế hoạch nhập khẩu 200.000 tấn than và chuẩn bị sẵn sàng các tổ máy chạy dầu với tổng công suất 830 MW để chuẩn bị cho năm 2020.
 
Sau khi 2 đơn vị nhiệt điện than là Phả Lại và Hải Phòng thử nghiệm đốt than Nam Phi trong quý II này, Tổng công ty đã có văn bản số 1570/EVNGENCO 2-KTSX ngày 31/05/2019 báo cáo EVN kết quả đốt thử nghiệm than Nam Phi. Qua đó kiến nghị Tập đoàn xem xét, chấp nhận đốt than nhập khẩu như than trộn, với giá than nhập khẩu sẽ giao cho các đơn vị cung cấp khai báo và được các cấp thẩm quyền phê duyệt, công bố theo quy định. 
 
Ngoài ra, 2 đơn vị nhiệt điện than trên cũng đã hoàn thành việc lập và phê duyệt Đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ theo hướng dẫn tại Quyết định số 2056/QĐ-BCT ngày 14/6/2018 của Bộ Công Thương. Hiện tại, việc xử lý tro, xỉ đang thực hiện tốt. Các đơn vị thu gom đều có chức năng vận chuyển, xử lý tro xỉ làm vật liệu xây dựng theo đúng quy định hiện hành và đang tiếp tục thu gom tro xỉ theo hợp đồng đã ký kết, hạn chế việc lưu trữ tro xỉ tại bãi xỉ và đảm bảo không để gây phát tán, ảnh hưởng đến môi trường.
 
Đánh giá về một trong những khó khăn và thách thức lớn của Tổng công ty trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) cho biết, năm 2019, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đều không đảm bảo đủ than cho các tổ máy vận hành theo nhu cầu phụ tải và nâng tồn kho. 
 
Ông Khoa dự báo đến năm 2020 và những năm tiếp theo tình hình cấp than từ hai đơn vị này cũng tiếp tục khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn, ổn định các tổ máy. Hiện nay tồn kho tại các nhà máy nhiệt điện của Tổng công ty như Duyên Hải 1, Nghi Sơn, Quảng Ninh.... thường xuyên ở mức báo động, chỉ từ 1 - 5 ngày vận hành. 
 
Cũng theo ông Khoa, hiện tại EVN và TKV chưa thống nhất được đơn giá vận chuyển than nội địa cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (do chưa thống nhất được giá than đi từ cảng lẻ). Do đó, EVN chỉ tạm thanh toán 50% cước vận chuyển theo hóa đơn than đã phát hành (từ tháng 10/2018 và các tháng đầu năm 2019). 
 
”Thực tế hiện nay, công nợ tiền than của EVNGENCO 1 luôn duy trì ở mức cao, xấp xỉ chạm ngưỡng dừng giao than theo quy định của hợp đồng, trong trường hợp nguồn tiền không về kịp thì việc giao than sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng tới điều hành sản xuất”, ông Khoa chia sẻ.
 
Đến thời điểm tháng 6/2019, năng suất bốc dỡ Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải lớn nhất từng thực hiện khoảng 800.000 tấn/tháng. Trong giai đoạn sắp tới, khi Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng vào vận hành, nhu cầu than đối với các tháng cao điểm sẽ đạt trên 1,1 triệu tấn/tháng. Như vậy, với tình hình hiện tại năng suất bốc dỡ sẽ không đáp ứng nhu cầu vận hành nếu không có giải pháp nâng cấp, cải tạo để nâng cao năng suất bốc dỡ của cảng.
 
EVNGENCO 1 cho biết, hiện tại, sản lượng than nội địa được cung ứng vẫn đảm bảo nhu cầu sản xuất nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu dự trữ theo định mức. Vì vậy, để đa dạng nguồn cung phục vụ nhu cầu sản xuất trong thời kỳ cao điểm, Tổng công ty đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như phối hợp với TKV và Tổng công ty Đông Bắc đảm bảo cung ứng than theo hợp đồng đã ký kết. 
 
EVNGENCO 1 cũng đang ký kết các hợp đồng trung, dài hạn để đảm bảo cấp đủ than vận hành trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn danh sách các nhà cung cấp than Antraxit để triển khai chào giá mua bổ sung lượng than thiếu hụt cho sản xuất điện và tăng tồn kho cuối năm 2019. 
 
Mục tiêu trong tháng 6/2019 là hoàn thành ký hợp đồng mua bán than dài hạn với TKV và Tổng công ty Đông Bắc theo chỉ đạo của EVN làm cơ sở ổn định nguồn than cho các nhà máy sử dụng than nội địa như cung ứng 100% đối với Quảng Ninh, Uông Bí, Nghi Sơn và trên 90% khối lượng hàng năm đối với Duyên Hải 1. 
 
Đối với than nhập khẩu, Tổng công ty sẽ triển khai ký hợp đồng mua bán than giai đoạn 2019-2020 để đảm bảo nguồn than cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 vận hành liên tục với công suất cao trong giai đoạn này. Đồng thời xây dựng kế hoạch, chủ động nhập khẩu than Antraxit từ Nam Phi để đốt trộn thử nghiệm với chủng loại than cấp từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc, cụ thể mua 450.000 tấn cho Duyên Hải 1 và 200.000 tấn cho Nghi Sơn 1 nhằm đa dạng hóa các nguồn than và nâng tồn kho phục vụ vận hành mùa khô 2020.
 
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ nạo vét Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Tổng công ty còn có các giải pháp nâng cao năng suất bốc dỡ than như: Bố trí sắp xếp tàu hợp lý; làm việc với các nhà cung cấp than tăng cường sử dụng các tàu chuyên dụng có tải trọng lớn cấp than cho Duyên Hải; có cơ chế thưởng để khuyến khích cho các ca vận hành nếu đạt năng suất bốc dỡ cao. 
 
Bên cạnh cải tạo đường ống xuống than tại tháp TT0 để vận chuyển than từ Cảng số 2 vào kho than Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 nhằm nâng cao khả năng trộn than và bốc dỡ than của Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải, EVNGENCO 1 còn nghiên cứu nâng cấp, cải tạo hệ thống bốc dỡ than nhằm tăng năng suất bốc dỡ, đảm bảo đủ than cho vận hành các tổ máy trong Trung tâm điện lực này khi Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đi vào vận hành./.
 
Bài cuối: Giải pháp lâu dài

Nguồn tin: Mai Phương/Icon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây