Thành phố Cần Thơ có khả năng sản xuất từ 1 đến 1,5TWh điện mỗi năm nếu kết hợp diện tích đất nông nghiệp, chưa kể diện tích đất trồng lúa, để lắp đặt pin năng lượng mặt trời (NLMT). Khối lượng này tương ứng với 46% đến 70% nhu cầu, theo tính toán trong báo cáo về mô hình “Kết hợp Năng lượng mặt trời và sản xuất nông nghiệp” do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) thực hiện. Mô hình sử dụng kết hợp được xác định sẽ phù hợp để áp dụng với các loại nông sản và thủy sản là: lúa, ngô, đậu tương, vừng, rau xanh, sắn/sắn dây, gia súc, cá và tôm.
Nếu tính cả ứng dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp ở các khu trồng lúa, tiềm năng “thực tế” sẽ tăng lên 7.500 đến 11.300 MWp, tương đương 10,5 – 16 TWh, sản lượng này vượt xa nhu cầu điện của thành phố, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các cùng khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận.
Chi phí sản xuất điện được đánh giá ở mức 9,07 xu Mỹ (gần 2.100 đồng) cho 1 KWh trong điều kiện tiêu chuẩn, tối đa là 9,81 xu Mỹ. Mức giá này rất sát với giá FiT hiện nay của Việt Nam là 9,35 xu Mỹ và cao hơn khoảng 1,5 xu Mỹ so với biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho khu vực phía Nam (7,48 xu Mỹ /kWh).
Mô hình sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực. Ra đời ở Đức vào đầu những năm 1980, mô hình này đã được triển khai ở một số quốc gia với hàng trăm dự án và ứng dụng (chủ yếu là quy mô nhỏ). Gần đây, ngày càng nhiều dự án thương mại quy mô lớn hơn đã được áp dụng tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Italia, Pháp.
Ứng dụng Kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp mang lại cho nông dân và cộng đồng nhiều lợi ích kinh tế - xã hội như tiết kiệm chi phí năng lượng, tăng thu nhập cho nông dân địa phương nhờ tăng vốn đầu tư và thu thuế, cải thiện cơ hội quảng bá và sức cạnh tranh (hình thành chuỗi cung ứng/ sản xuất bền vững), có thể cải tiến các phương thức sản xuất nông nghiệp, giảm nhu cầu năng lượng (trong thời gian cao điểm), giảm phát thải khí CO2 và phát thải gây nguy hại khác tại địa phương từ các nhà máy nhiệt điện truyền thống và phát triển tổng thể ngành nông nghiệp bền vững hơn, tăng sức cạnh tranh của ngành (ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu).
Kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế giá điện khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời vào tháng 4 năm 2017, Việt Nam đã ghi nhận sự bùng nổ số lượng dự án điện mặt trời đăng ký tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. Bên cạnh đóng góp tích cực về nguồn điện tái tạo và luồng đầu tư tư nhân, sự bùng nổ và tập trung nhiều dự án điện mặt trời tại một số khu vực đã gây nên mối quan ngại về vấn đề sử dụng đất, ảnh hưởng đến quỹ đất cho phát triển nông nghiệp và sinh kế của người dân địa phương. Để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội trong quá trình chuyển dịch sang phát triển năng lượng sạch, điều cần thiết là phải tìm ra giải pháp “đôi bên cùng có lợi” đảm bảo lợi ích và đóng góp của người dân địa phương, chủ đầu tư và các bên liên quan.
Do vậy, một nhóm giải pháp được đề xuất bao gồm xây dựng lộ trình sử dụng kết hợp NLMT trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở thành phố Cần Thơ, cũng như Việt Nam. Điểm cốt lõi nhất trong lộ trình là triển khai dự án thí điểm sử dụng kết hợp NLMT trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam nhằm chứng minh tính phù hợp và tiềm năng của các loại cây trồng, con giống được lựa chọn trong điều kiện sinh thái nông nghiệp trong nước.
Đồng thời, rào cản tiềm tàng trong việc quản lý đặc biệt là các quy trình sử dụng đất cũng cần được xác định. Ở cấp quốc gia, cần mở rộng áp dụng giá FiT cho mô hình sử dụng kết hợp NLMT trong sản xuất nông nghiệp. Nội dung này bao gồm hai khía cạnh căn bản, đó là điều kiện được hưởng các biện pháp hỗ trợ với ứng dụng mô hình sử dụng kết hợp NLMT trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ tài chính cần thiết để kích thích thị trường phát triển cũng như các dự án thí điểm giai đoạn đầu.
Theo: Vietnambiz