Không biết việc phải làm
Bạn không hiểu rõ chính xác công việc bạn phải làm là gì, hạn chót báo cáo là khi nào và nội quy của công ty ra sao... Như thế, rõ ràng nhà tuyển dụng đã phí công khi cho bạn một công việc. Nếu không biết, bạn phải hỏi và hỏi chính xác, tỉ mỉ để làm việc tốt hơn.
Thường xuyên nói: "Đây không phải là (phần) việc của tôi"
Mọi người ai cũng làm việc theo chuyên môn của mình. Tuy nhiên, chỉ làm việc theo đúng phận sự cho thấy bạn chỉ quan tâm đến tiền lương. Nếu bạn cứ tiếp tục như vậy, sớm hay muộn nhà tuyển dụng cũng tìm người mới thay bạn: đó là người sẵn sàng học hỏi và làm những việc không thuộc danh sách mô tả công việc của họ.
Lạm dụng thiết bị văn phòng
Thật sai lầm khi nghĩ rằng sếp sẽ chẳng biết và nếu biết cũng sẽ không để ý khi bạn gửi tin nhắn cho bạn bè khi đang làm việc. Bạn nên biết, hầu hết các công ty đều kiểm soát hộp thư điện tử, việc sử dụng internet và thậm chí là bạn đã làm gì với cái laptop sau giờ làm việc. Do vậy, đừng bao giờ sử dụng máy tính của công ty cho những việc làm riêng tư.
Luôn ca cẩm về công việc
Cho dù mức lương của bạn quá thấp, công việc bạn đang làm rất nhàm chán hay bạn không hài lòng với sếp cũng không nên phàn nàn tại nơi làm việc. Vì nếu những điều này đến tai sếp, khả năng bạn phải ra đi sớm rất cao.
Không làm việc theo nhóm, chỉ thích làm việc theo ý mình
Không ai muốn làm việc với một nhân viên kiêu ngạo, không biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến người khác. Những người tốt tính, biết giúp đỡ người khác, khả năng thăng tiến sẽ cao hơn. Hơn thế nữa, khi bạn gặp khó khăn, mọi người cũng sẽ không bỏ rơi bạn.
Mang chuyện riêng tư vào văn phòng
Nói chuyện trong giờ làm việc là một trong những cách giảm áp lực công việc. Tuy nhiên, nên nhớ khi bạn nói cả phòng sẽ nghe thấy hết. Và chẳng hay ho gì khi ai cũng biết bạn và người yêu đang giận nhau. Bạn cũng cần chú ý các cuộc điện thoại riêng tư, và hạn chế tối đa trong giờ làm việc.
Làm việc hời hợt, không nhiệt tình
Bạn luôn thể hiện với sếp bạn không quan tâm đến công việc, bạn làm như thể đó là việc bạn phải làm chứ không hề có niềm đam mê. Bạn nên chấn chỉnh ngay, nếu không muốn sếp tìm người khác có trách nhiệm và yêu công việc hơn để thay thế bạn.
Thường xuyên trễ hẹn báo cáo
Khi bạn chậm trễ, mọi người cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đơn giản mọi người không thể hoàn thành dự án khi mà phần việc của bạn vẫn chưa làm xong và như vậy bạn đã làm ảnh hưởng đến cả công ty.
Buôn chuyện
Khi bạn nói xấu hay buôn chuyện riêng tư về một ai đó, hãy nghĩ đến mình sẽ ra sao trong hoàn cảnh tương tự.
Đi shopping bằng tiền công ty
Có thể nói, tham ô là cách nhanh nhất khiến bạn bị sa thải. Không một ông sếp nào để yên khi thấy ngân sách của công ty lại rơi vào túi của một nhân viên. Và nếu điều này xảy ra, đó là một vết nhơ lớn trong sự nghiệp của bạn. Bạn có nguy cơ không thể tìm được một công việc khác, bởi các nhà tuyển dụng luôn tìm hiểu kỹ về các ứng viên, đặc biệt là lý do tại sao họ lại chuyển việc.
Nguồn tin: Võ Đức Hiền (Sưu tầm)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn