Ðồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị thành viên thị trường làm quen các cơ chế mới, đào tạo nâng cao năng lực và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện; đào tạo nhân lực, hoàn thiện cơ chế cho TTBBÐCT dự kiến sẽ thực hiện chính thức từ năm 2019. Mục tiêu của phương án này là thử nghiệm các cơ chế của TTBBÐCT theo thiết kế và thực hiện thanh toán thật đối với một phần sản lượng mua đầu nguồn của các TCTÐL. TTBBÐCT có thanh toán thật. Dự kiến phương án giá trần thị trường điện năm 2018 là 1.280 đồng/kW giờ.
Tính đến cuối năm 2017, đã có 80 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh với tổng công suất đặt 22.432 MW, chiếm 52,8% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Công tác vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và triển khai TTBBÐCT được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm an toàn, tin cậy và hiệu quả. Theo lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện, việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh 5 năm qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực như: Nâng cao tính cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện trong thị trường; minh bạch hóa công tác huy động các nguồn điện thông qua bản chào giá của nhà máy; thúc đẩy các nhà máy chủ động nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giảm chi phí phát điện. Song song với việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh, Bộ Công thương đã đưa vào vận hành thử nghiệm TTBBÐCT từ năm 2016 theo hình thức mô phỏng tính toán nhưng chưa thanh toán thật. Thực hiện hình thức mô phỏng này, hai năm qua, các TCTÐL trong cả nước đã từng bước làm quen với TTBBÐCT, góp phần bảo đảm minh bạch và nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngành điện.
Hiện nay, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình triển khai TTBBÐCT. Ðại diện Tổng công ty Ðiện lực miền nam (EVNSPC) cho biết, đơn vị này chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu giao nhận điện của các điểm do trong phạm vi quản lý và các điểm đo mua điện từ các nhà máy thủy điện công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW. Tổng lượng điện nhận hằng ngày của EVNSPC phần lớn được đồng bộ từ kho dữ liệu đo đếm của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), do đó phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu ngày trên kho và sự chuẩn xác, đồng bộ của tất cả các điểm đo, phương thức giao nhận của EVNSPC với kho dữ liệu và giữa EVNSPC với điểm đo do Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia thu thập. Hiện nay vấn đề này còn một số sai biệt và EVNSPC sẽ cùng các đơn vị tiếp tục rà soát hoàn chỉnh.
Theo Quyết định số 4804/QÐ-BCT ngày 26-12-2017 của Bộ Công thương phê duyệt phương án vận hành TTBBÐCT thí điểm năm 2018, đối tượng tham gia thị trường gồm EVN, Trung tâm Ðiều độ Hệ thống điện quốc gia, các đơn vị phát điện, năm TCTÐL, Công ty Mua bán điện và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT). Các TCTÐL thanh toán một phần sản lượng điện năng đầu nguồn theo cơ chế đã được quy định, phần sản lượng điện còn lại mua từ EVN theo cơ chế giá bán buôn điện nội bộ của EVN.
Ðể TTBBÐCT vận hành thí điểm thuận lợi, Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị ngành điện hoàn thiện các văn bản, thống kê các dữ liệu, nhất là cần tổ chức đào tạo nguồn nhân lực để quản lý và vận hành thị trường. Trong quá trình thực hiện, tiếp tục điều chỉnh những bất cập, sửa chữa ngay để đưa TTBBÐCT chính thức áp dụng vào năm 2019. Các TCTÐL có trách nhiệm phối hợp EVN thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các TCTÐL để thực hiện thanh toán các khoản chi phí mua điện theo thị trường điện và theo giá quy định.