Bộ Công Thương khẳng định đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà máy phát điện sẵn sáng các phương án huy động điện, bảo đảm đủ điện cao điểm mùa khô 2018. PV Nguyên Long phỏng vấn ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương về nội dung này.
PV: Thưa ông Đinh Thế Phúc, mặc dù hệ thống điện điện hiện nay đã có công suất dự phòng nhưng nỗi lo đảm bảo cung cấp điện vẫn thường trực, đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng. Vì sao lại như vậy ? Ông Đinh Thế Phúc: Việc đảm bảo cung cấp điện là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của ngành điện, nhất là trong điều kiện hiện nay, yêu cầu về chất lượng dịch vụ cung cấp điện ngày càng cao, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Hiện nay, hệ thống điện Việt Nam cũng đã có công suất dự phòng và khi thời tiết quá nóng và nắng kéo dài, phụ tải hệ thống tăng cao đột ngột, việc cung ứng điện cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Cục Điều tiết điện lực đã cùng với EVN xây dụng các phương án vận hành cho các kịch bản tăng trưởng nhu cầu phụ tải điện khác nhau, nhằm đảm bảo việc cung cấp điện cho mùa khô 2018 trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên đối với từng khu vực, ở một vài thời điểm mà quá nắng nóng có thể làm phụ tải tăng quá cao so với dự báo có thể làm quá tải lưới điện cục bộ tại khu vực đó, gây ra sự cố làm gián đoạn cung cấp điện.
PV: Việc huy động các nguồn điện sẽ được thực hiện như thế nào trong mùa khô năm nay, thưa ông ? Ông Đinh Thế Phúc: Ngay từ cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4830/QĐ-BCT ngày 27 thang 12 năm 2017 phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, trong đó có dự kiến lịch huy động các nhà máy điện trong mùa khô và cả năm 2018. Hàng tháng, Cục Điều tiết điện lực đều làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan để rà soát kế hoạch cung cấp điện tháng tiếp theo. Theo số liệu giám sát của chúng tôi thì lũy kế cho đến hết ngày hôm qua nhu cầu điện năm nay tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,5% so với dự báo đầu năm. Căn cứ vào tình hình cung cấp điện, Cục Điều tiết điện lực đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành công văn số 2530/BCT-ĐTĐL ngày 03 tháng 4 năm 2018 chỉ đạo các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than – Khoáng sản có các biện pháp theo dõi sát sao tăng trưởng của phụ tải điện, diễn biến thủy văn, đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí cho phát điện, đảm bảo độ sẵn sàng cho các nguồn điện... Theo đó, các nguồn thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí, thậm chí cả nhiệt điện dầu cũng được sẵn sàng huy động ở mức độ tối đa để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô 2018.
PV: Theo dự báo, tình trạng khô hạn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất điện của các nhà máy thủy điện. Vậy xin hỏi mức độ ảnh hưởng cụ thể như thế nào? Ông Đinh Thế Phúc: Thực tế qua theo dõi tình hình thủy văn các tháng đầu năm 2018 cho thấy, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở cả 3 miền nhìn chung là tương đương và có phần khá hơn tần suất thủy văn 65% được dự kiến trong kế họach đầu năm. Trong tháng 2 năm 2018 cũng đã thực hiện phát điện kết hợp cấp 5,5 tỷ m3 nước cho đổ ải vụ Đông Xuân năm 2018 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ theo đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cho đến nay, hầu hết các nhà máy thủy điện vẫn đang vận hành theo kế hoạch dự kiến. Dự báo trong các tháng cao điểm mùa khô 2018, sản lượng của các thủy điện sẽ đạt và có thể cao hơn kế hoạch đầu năm một chút. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thủy văn, thực hiện nghiêm túc việc cung cấp nước cho hạ du của các hồ thủy điện theo đúng các Quy trình vận hành hồ chứa, vận hành liên hồ chứa, đồng thời phát huy tối đa khả năng phát điện vào hệ thống.
PV: Có thể thấy, diễn biến thời tiết bất thưởng + tăng trưởng phụ tải điện là 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc cung cấp điện. Cùng với công tác bảo đảm nguồn điện, việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, chống quá tải cho hệ thống lưới điện là vô cùng quan trọng. Công tác kiểm tra của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo cấp điện của EVN đối với sản xuất và sinh hoạt được thực hiện như thế nào ? Ông Đinh Thế Phúc: Như tôi đã đề cập, nguy cơ thiếu điện trên phạm vi rộng, toàn quốc là thấp, nhưng nguy cơ quá tải cục bộ tại từng khu vực lưới điện nhỏ là có khả năng xảy ra, đặc biệt nếu nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng vọt. Bộ Công Thương đã tổ chức một số đoàn kiểm tra công tác cung cấp điện cho mùa khô 2018 tại khu vực phía Nam, cụ thể là tại các Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Công ty truyền tải điện 4. Bộ cũng đã yêu cầu EVN chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty điện lực đảm bảo tiến độ các công trình, dự án đang triển khai vào vận hành đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trong cao điểm mùa khô. Hàng tháng, chúng tôi có giao ban với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên về tình hình cung cấp điện. Các Công ty điện lực tỉnh đã có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp lưới điện nhằm đáp ứng cho nhu cầu phụ tải. Ngành điện cũng được sự hỗ trợ rất tích cực từ phía chính quyền và nhân dân địa phương đối với việc giải tỏa mặt bằng, tạo thuận lợi cho công tác xây dựng lưới điện. Tôi mong rằng các cơ quan, chính quyền tại các tỉnh tiếp tục tích cực ủng hộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị điện lực triển khai các công trình lưới điện, trạm điện. Bên cạnh đó, người dân cần tích cực, chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện như sử dụng thiết bị điện có hiệu suất cao, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, áp dụng thói quen chuyển sử dụng những thiết bị điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm.... Việc này sẽ giảm bớt áp lực đối với hệ thống lưới điện tại địa phương, đồng thời cũng tiết kiệm được chi phí dùng điện cho người dân.
PV: Cùng với đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống lưới điện, việc tuyên truyền các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, thông suốt. Việc truyên truyền Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện được ngành Công Thương triển khai như thế nào ?
Ông Đinh Thế Phúc: Bộ Công Thương là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi về Chỉ thị số 34 của Thủ tướng Chính phủ để cán bộ, các tầng lớp nhân dân biết và có những giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là trong các giờ cao điểm. Trong Bộ Công Thương có Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững được giao triển khai nhiệm vụ này. Một số hoạt động triển khai Chỉ thị số 34 đã được thực hiện mà điển hình là Chương trình Giờ trái đất trong tháng 3 vừa qua.
Đối với Cục Điều tiết điện lực, chúng tôi thường xuyên làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đôn đốc việc triển khai các giải pháp vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới truyền tải, áp dụng các phần mềm phối hợp tối ưu thủy – nhiệt điện để lập kế hoạch sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng sơ cấp, áp dụng nhiều giải pháp tự động hóa nhằm tiết kiệm năng lượng. Vào ngày 08 tháng 3 năm 2018, căn cứ tờ trình của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, mục đích nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, kinh tế - xã hội để thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện trong đó khách hàng là đối tượng tham gia chủ động, giảm công suất phụ tải đỉnh, nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng điện.
PV: Hiện nay hệ thống điện đã có nguồn dự phòng lớn, vậy còn điều gì đáng lo ngại trong đảm bảo cấp điện mùa khô - đặc biệt là thời gian diễn ra cao điểm nắng nóng không thưa ông ?
Ông Đinh Thế Phúc: Sản xuất – điều độ - truyền tải – phân phối – sử dụng điện năng là một quá trình liên tục. Mỗi một khâu trong quá trình này đều có tầm quan trọng nhất định. Mỗi một sự cố, sai sót hoặc sự thiếu cộng tác trong các khâu đều có thể dẫn đến việc gián đoạn cung cấp điện cho một số hoặc nhiều người dân. Do đó, với mục tiêu là đảm bảo cung cấp điện đầy đủ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân thì chúng tôi không phân biệt điều gì là lo ngại nhất hay nhì. Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị ngành điện phải luôn sẵn sàng, tuân thủ nghiêm lệnh điều độ để các khâu từ sản xuất cho đến tiêu thụ điện đều có sự hợp tác, chuẩn bị kỹ càng cho việc cung ứng điện năng từng giờ, từng phút, chuẩn bị cả cho những tình huống khó khăn, bất lợi.
Đối với các hộ tiêu thụ điện, Bộ Công Thương đề nghị mỗi người, mỗi gia đình cùng tích cực tham gia tìm hiểu, áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng điện vào các giờ cao điểm để hỗ trợ cho lưới điện. Trong thời gian nắng nóng, các đơn vị điện lực sẽ hạn chế tối đa hoặc không thực hiện việc cắt điện, trừ trường hợp sự cố hoặc có nguy cơ sự cố. Đối với trường hợp sửa chữa lưới điện có ảnh hưởng đến cung cấp điện, hiện nay, tất cả các Tổng công ty điện lực đều đã thực hiện việc công bố trước kế hoạch sửa chữa, lịch cắt điện trên trang thông tin điện tử của đơn vị và các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị người dân tìm hiểu, nắm bắt để phối hợp. Trường hợp có ý kiến phản ánh hoặc có câu hỏi, người dân có thể liên lạc trực tiếp với số điện thoại của Trung tâm chăm sóc khách hàng để được phục vụ 24/24 giờ. Tôi mong rằng, với sự hợp tác của người dân và nỗ lực của các đơn vị điện lực, việc đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2018 sẽ được thực hiện tốt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này !