EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

Hệ thống điện miền Nam vẫn chưa tự cân đối công suất

Thứ hai - 16/04/2018 09:56    Đã xem: 1789    0
Năm 2018 được xem là năm có dự trữ về thủy điện tốt so với nhiều năm trở lại đây, khi mà đầu năm phần lớn các hồ thủy điện đều đầy nước. Các nhà máy nhiệt điện than mới ở miền Nam đã dần hoạt động ổn định.
Trung tâm Dịch vụ và Chăm sóc khách hàng thuộc Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Ngọc Hà/Icon.com.vn.
Trung tâm Dịch vụ và Chăm sóc khách hàng thuộc Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Ngọc Hà/Icon.com.vn.
Tuy nhiên, vận hành hệ thống điện chưa phải đã hết khó khăn do Hệ thống điện miền Nam vẫn chưa tự cân đối được, phải nhận lượng điện rất lớn từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500kV với sản lượng điện nhận khoảng 25% tổng nhu cầu toàn miền. Do vậy, phần lớn thời gian trong năm, truyền tải trên đường dây 500 kV ở mức độ rất cao, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra sự cố hệ thống truyền tải.
 
Đáp ứng tăng trưởng kinh tế trong mọi điều kiện
 
Qua 3 tháng đầu năm, EVN cung cấp điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ yêu cầu hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất, kinh doanh của các địa phương và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân với sản lượng điện toàn hệ thống đạt 48,96 tỷ kWh, cao hơn 1,35 tỷ kWh so với kế hoạch năm (KH năm là 47,6 tỷ kWh), tăng 11,16% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, theo EVN, cung cấp điện khó khăn nhất là từ tháng 3 đến tháng 6. Trong khi đó, bước vào tháng 3 đã bắt đầu có một số hồ lưu lượng nước về giảm rõ rệt như Cửa Đạt, Hương Điền, Krông Hnăng, Sông Ba Hạ, Đam bri, Thác Mơ...
 
Bên cạnh đó, EVN tiếp tục phải cấp nước cho hạ du, đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân các địa phương; Hệ thống cấp khí PM3 vận hành kém ổn định. Trong 2 tháng đầu năm, đã có 19 lần phía PVGas Cà Mau phải yêu cầu PVP Cà Mau giảm khí tiêu thụ do áp lực đường ống thấp hoặc sự cố ngoài giàn. Đặc biệt ngày 15-2 và ngày 22-3 xảy ra sự cố Shut down giàn BRA phải ngừng hoàn toàn cấp khí cho các hộ tiêu thụ (PVGas vẫn ưu tiên cấp khí cho Đạm Cà Mau trong quá trình sự cố); ngày 27-3-2018 Lô 6.1 bị sự cố 1 máy nén dẫn tới khả năng cấp khí của Lô 6.1 giảm từ 10,5 tr.m3 khí/ngày xuống 8,8 tr.m3 khí/ngày và chưa rõ thời gian khắc phục cụ thể. Trong thời gian này, khả năng cấp khí của khí Nam Côn Sơn giảm ~2 triệu m3/ngày, tương ứng với sản lượng điện giảm ~11 triệu kWh/ngày. 
Để đáp ứng đủ nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua từ 6,5%-6,7%, EVN đã tính toán cho 2 kịch bản (từ tháng 4 đến tháng 6): Kịch bản phụ tải cơ sở, theo phương án phụ tải năm tăng trưởng 10,5%. Với phương án này, tổng phụ tải mùa khô đạt 106,18 tỷ kWh; kịch bản phụ tải kiểm tra, theo phương án phụ tải tăng trưởng 11,56%, tổng phụ tải mùa khô đạt 106,73 tỷ kWh. Điều tiết các hồ chứa năm 2018 đảm bảo tuân thủ quy trình vận hành liên hồ/đơn hồ được phê duyệt, trong đó ưu tiên ở mức cao nhất có thể cho nhu cầu tưới tiêu, đẩy mặn, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong các tháng mùa khô theo yêu cầu của các địa phương.  Đồng thời, tính toán, kiểm tra và tiến hành sắp xếp kế hoạch sửa chữa các tổ máy phát điện trên hệ thống để đảm bảo an ninh HTĐ Quốc gia trong mùa khô và giai đoạn còn lại của năm 2018. 
 
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Ngô Sơn Hải cho biết, từ cuối năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, EVN đã tập trung sửa chữa, củng cố các tổ máy thủy điện, các tổ máy nhiệt điện than, tua bin khí; bố trí hợp lý lịch bảo dưỡng các tổ máy năm 2018; tích nước các hồ thủy điện đến mực nước dâng bình thường để đảm bảo khả dụng nguồn cao nhất cho mùa khô, đặc biệt là các nguồn thủy điện miền Nam và Nam miền Trung giữ nước trong hồ thủy điện ở mức cao nhất. 
 
EVN cũng chỉ đạo các Công ty thủy điện và các Tổng công ty phát điện 1,2,3 chủ động làm việc với các địa phương có yêu cầu cung cấp nước hạ du để thống nhất nhu cầu cấp nước trên tinh thần tiết kiệm nước tối đa; củng cố thiết bị để vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện than ngay từ đầu năm 2018, đặc biệt là nhiệt điện than miền Nam (Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3); chủ động tìm kiếm, nhập khẩu than để đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu để huy động các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4; chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực tăng cường kiểm tra, củng cố lưới điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, tin cậy. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực để xử lý nhanh sự cố; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức tiết kiệm điện của cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.
 
Sẵn sàng bước vào mùa khô
 
Công ty Điện lực Cần Thơ phối hợp với Công ty TNHH Công nghiệp Thuỷ sản miền Nam triển khai dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng theo công nghệ ESCOẢnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Do sản lượng truyền tải trên đường dây 500kV từ miền Bắc và miền  Trung và miền Nam  trong các tháng cao điểm mùa khô cũng đạt tới ~1,2 tỷ kWh/tháng, đây là mức truyền tải rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu xảy ra sự cố hệ thống truyền tải. Đồng nghĩa với việc TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam xảy ra thiếu điện cục bộ.
 
Trong điều kiện như vậy, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) và Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã tập trung củng cố lưới điện nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
 
EVNHCMC cho biết, TP Hồ Chí Minh với đặc thù là đô thị đặc biệt, giữ vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên tiếp tục được dự báo phát triển ở mức cao nhất và đạt các chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2015-2020 với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân từ 8%-8,5%, theo đó, dự báo nhu cầu phụ tải trong năm 2018 gia tăng sản lượng điện thương phẩm đạt từ 22.850 đến 25.400 triệu kWh, ước tính tăng khoảng 4,2-6,46% so với thực hiện năm 2017; công suất cực đại ước đạt 4.141MW, tăng 7,06% so với cùng kỳ năm 2017.
 
EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện mùa khô với các giải pháp trong tâm, như: Hoàn thiện sơ đồ cầu đủ cho 22/22 TBA 110kV và xử lý 28/28 điểm rẽ nhánh T; trong năm 2017 đã đóng điện đưa vào vận hành công trình lưới điện 220kV và 10 công trình 110kV, tăng thêm công suất 315MVA; trong năm 2018, tiếp tục tập trung thực hiện các công trình trọng điểm, đặc biệt là công trình đường dây và TBA 220kV Quận 8 để tăng cường cung cấp điện cho phụ tải Thành phố trong giai đoạn cao điểm mùa khô.
 
Ngoài ra, EVNHCMC triển khai kiện toàn kết cấu lưới điện giai đoạn 2018-2020 theo các tiêu chí: Mỗi khách hàng được cấp điện từ 2 máy biến thế 110kV khác nhau; máy biến thế 110kV vận hành từ 50%-60% định mức; đường dây trung thế vận hành dưới 50% định mức, cấp điện dưới 6.000 khách hàng và có chiều dài dưới 8km; trạm biến áp hạ thế vận hành dưới 65% định mức, có bán kính lưới dưới 300m và cấp điện dưới 300 khách hàng.
EVNHCMC tăng cường thi công bảo trì sửa chữa trên đường dây trung thế đang vận hành (phương pháp thi công live-line) để giảm tối đa số lần cắt điện khi thi công trên lưới, hạn chế tối đa mất điện khách hàng. Đến tháng 3, EVNHCMC đã hoàn tất các công trình sửa chữa, bảo trì lưới điện để sang tháng 4 và tháng 5, không bố trí công tác liên quan đến cắt điện theo đúng chỉ đạo của EVN.
 
Năm 2018, EVNHCMC tiếp tục triểm khai các giải pháp tiết kiệm điện; triển khai 100% công trình điện mặt trời nối lưới tại các đơn vị trực thuộc và các TBA 220kV, 110kV của Tổng Công ty.
 
EVNHCMC cũng đã xây dựng phương thức vận hành lưới điện tối ưu, đảm bảo tiêu chí N-1, không để xảy ra  tình trạng đầy tải, quá tải kéo dài trên lưới điện trong mùa khô; thường xuyên rà soát và tăng cường công tác phối hợp vận hành để đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng như: Intel, Samsung, Khu công nghệ cao, San bay Tân Sơn Nhất, Công viên phần mềm Quang Trung, các khu công nghiệp, khu chế xuất…; xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện trong điều kiện hệ thống điện vận hành thiếu từ 1% đến 10% sản lượng và công suất hệ thống. Trong đó, ưu tiên cho các phụ tải quan trọng, thời gian gián đoạn cung cấp điện khi thiếu nguồn không quá 5 giờ/ngày.
 
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) Nguyễn Phước Đức cho biết, năm 2018, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng điện năng tại 21 tỉnh thành phía Nam sẽ vượt hơn 10%. Mùa năng nóng năm nay (từ tháng 3 đến tháng 6), dự kiến nhiệt độ tăng cao hơn năm 2017. Đây sẽ là thách thức trong ổn định cung cấp điện. 
 
Do đặc thù địa bàn quản lý trên 21 tỉnh thành, EVNSPC đã xây dựng phương án giám sát sử dụng điện, sử dụng thông tin đo ghi từ xa để phục vụ cho công tác giám sát sử dụng điện, huy động nguồn phát riêng đối với khách hàng có sản lượng lớn; thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện, hệ thống rơle, hành lang an toàn lưới điện cao áp để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố; xây dựng kế hoạch cung cấp điện trong trường hợp hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn hoặc trường hợp khả năng mất cân đối cung cầu điện hệ thống điện miền Nam; hoàn thành đóng điện 29 công trình lưới điện 110kV và lưới điện 22kV đồng bộ.

Nguồn tin: Thanh Mai/Icon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây