Tổng công ty Phát điện 2https://evngenco2.vn/uploads/logo_evngenco2.png
Thứ hai - 16/07/2018 09:16 Đã xem: 2073 0
Ngày 21-7-2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (viết tắt là tổng sơ đồ VII).
Theo đó, nhu cầu xây dựng nguồn điện khoảng 75.000MW vào năm 2020 và tăng lên 146.800 MW vào năm 2030 với mức tăng trưởng phụ tải khoảng 14%-15%/năm và tăng trưởng GDP 7%/năm. Đến năm 2016, Chính phủ ký Quyết định số 428/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 hiệu chỉnh công suất hệ thống xuống còn 60.000MW vào năm 2020 và 129.500MW vào năm 2030 đáp ứng tăng trưởng phụ tải 11%/năm. Vậy điều gì đang diễn ra trong quá trình thực hiện Tổng sơ đồ Điện VII?
Nhiều dự án chậm tiến độ
Công suất lắp đặt của hệ thống điện hiện nay đang ở mức 46.830 MW và công suất cao nhất trong những ngày nắng nóng vừa qua đã đạt 35.128 MW. Theo lý thuyết, công suất hữu dụng chỉ đạt được 70% công suất lắp máy, tức công suất hữu dụng của hệ thống điện sẽ vào khoảng 32.781 MW. Nhưng thực tế, những ngày nắng nóng vừa qua công suất hệ thống đã vượt quá khả năng về mặt lý thuyết. Điều này cũng có thể lý giải, bởi công suất hữu dụng còn phụ thuộc độ sẵn sàng của các tổ máy nhiệt điện, phụ thuộc vào cột nước, mức nước của các hồ chứa thủy điện, tình trạng thiết bị…Ví dụ như thông thường, các tổ máy nhiệt điện than chỉ chạy máy phát điện được khoảng 6.000 giờ/năm (một năm khoảng 8.600 giờ), nhưng nhờ thiết bị mới và hiện đại nên các tổ máy của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã chạy được hơn 7.000 giờ/năm. Tuy nhiên, thời gian phát công suất điện vượt ngưỡng không thể duy trì trong thời gian dài, bởi lẽ, việc phát điện công suất cao liên tục sẽ tiềm ẩn sự cố, đặc biệt là đối với các Nhà máy Nhiệt điện chạy than.
Theo Tổng sơ đồ VII hiệu chỉnh, đến năm 2020, tổng công suất hệ thống sẽ đạt 60.000MW, trong khi tổng công suất hệ thống hiện nay đang là 46.830 MW, như vậy, từ nay đến năm 2020, sẽ phải đưa vào vận hành 13.000 MW mới đảm bảo mục tiêu phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân.
Rà soát lại quá trình thực hiện Tổng sơ đồ Điện VII cho thấy, từ nay đến năm 2020 chỉ còn Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 Mở rộng (công suất 600MW) và Nhiệt điện Duyên Hải 3 Mở rộng (công suất 600MW) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư hoàn thành đúng kế hoạch. Các Dự án Nhiệt điện than Long Phú (công suất 1.200 MW) và Sông Hậu (công suất 1.200 MW), vào thời điểm này có thể khẳng định đã bị phá sản so với kế hoạch. Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 trước đây giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nhưng do nhiều nguyên nhân không đáp ứng được tiến độ, Chính phủ đã quyết định giao lại cho EVN. Việc bàn giao đã hoàn tất, tuy nhiên, hiện nay vướng giải phóng mặt bằng nên EVN đang lập lại quy hoạch và nếu tiến độ phải hết sức “căn cơ” thì nhanh nhất đến năm 2022 mới có thể đưa vào vận hành.
Tiếp đến là tiến độ của các dự án Nhiệt điện khí (LNG). Các dự án LNG hiện cũng đang bị “mắc kẹt” ở PVN. Bởi, theo TSĐ VII, dự kiến sau năm 2020, sẽ phát triển các nhà máy điện ở khu vực miền Trung với tổng công suất khoảng 3.000-4.000MW, tiêu thụ khoảng 3 đến 4 tỷ m3 khí/năm. Việc phát triển hệ thống kho, cảng nhập khẩu LNG tại Sơn Mỹ (Bình Thuận) để bổ sung khí cho các trung tâm điện lực: Phú Mỹ, Nhơn Trạch khi nguồn khí thiên nhiên tại khu vực miền Đông suy giảm được giao cho PVN. Song với tình hình hiện nay của PVN và tiến độ thực tế của dự án thì việc hoàn thành đáp ứng tiến độ là không thể.
Việc đưa khí từ Lô B vào bờ từ năm 2020 để cung cấp cho các nhà máy điện tại các trung tâm điện lực Kiên Giang và Ô Môn với tổng công suất khoảng 4.500 MW cũng đang trong tình trạng khó đảm bảo tiến độ kế hoạch do đến bây giờ vẫn chưa có giá khí nên chưa lập được Báo cáo Nghiên cứu khả thi. Nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện tại Phú Mỹ, Bà Rịa và Nhơn Trạch không có hy vọng đảm bảo do năm 2018 nguồn cung cấp khí đã bị suy giảm và sẽ suy giảm vào các năm tiếp theo.
Theo Tổng sơ đồ VII, tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng) từ gần 17.000 MW lên khoảng 21.00 MW vào năm 2020 và 24.000 MW vào năm 2025, trong đó, thủy điện tích năng là 1.200 MW.
Hiện nay có 2 Dự án Thủy điện Tích năng được biết đến là Bác Ái – công suất 1.200 MW (Ninh Thuận) và Đông Phù Yên – công suất 1.500 MW (Sơn La).
Được biết, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Thủy điện Tích năng Bác Ái được EVN phê duyệt từ năm 2008. Cùng thời điểm trên, Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN lập dự án đầu tư (DAĐT), tổ chức thẩm định, phê duyệt DAĐT và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, thực hiện phân kỳ đầu tư trước một số hạng mục công trình của Dự án, tính toán phù hợp với tiến độ tích nước hồ Sông Cái nhằm bảo đảm yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả. Được biết, tổng mức đầu tư dự án này là 21.101 tỷ đồng, cơ cấu vốn dự kiến gồm 15% vốn chủ sở hữu và 85% vốn vay do EVN thu xếp. Song, đến năm 2017, EVN đã bàn giao cho chủ đầu tư là một doanh nghiệp tư nhân với lý do của Bộ Công Thương cho rằng, việc đầu tư dự án này theo hình thức xã hội hóa có ưu điểm là không sử dụng vốn ODA, có thể tháo gỡ vướng mắc về việc áp dụng điều khoản chuyển tiếp của Dự án. Đến nay, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ giao cho dự án này cho Trung Nam Group. Dự án Thủy điện Tích năng Đông Phù Yên mới được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc. Nên chắc chắn cả 2 dự án này đều không thể đưa vào vận hành theo đúng tiến độ của tổng sơ đồ VII.
Không quyết liệt sẽ thiếu điện
Điểm lại các dự án nguồn điện sẽ hoàn thành phát điện vào năm 2020 theo kế hoạch của tổng sơ đồ VII một cách chắc chắn thì chỉ vỏn vẹn có 1.200 MW trên tổng số 13.000MW. Như vậy, vẫn còn thiếu hụt hơn 11.800 MW so với kế hoạch của tổng sơ đồ VII. Vậy giải pháp nào sẽ cứu cánh cho thiếu điện vào năm 2020 và các năm sau?
Trước hết phải tính đến các dự án có thời gian thi công nhanh (trong điều kiện các thủ tục phải được rút ngắn nhất có thể), đó là nguồn điện năng lượng mặt trời. Thời gian thi công nhà máy điện mặt trời khoảng 1 năm, nhưng khó khăn nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng. Để thi công dự án điện mặt trời, trước hết, đất cấp không được ảnh hưởng tới sản xuất của các cá nhân và tổ chức và dự án phải nằm trong quy hoạch.
Việc phát triển điện mặt trời hiện nay còn ì ạch. Mới khởi công được 4 dự án với tổng công suất 300 MW. Mặc dù hiện nay, có rất nhiều chủ đầu tư đăng ký dự án điện mặt trời nhưng chưa có quy hoạch. Bộ Công Thương chỉ đang thực hiện công tác tổng hợp các dự án đăng ký của các tỉnh mà chưa tính đến tính ổn định của hệ thống điện.
Bài toán quy hoạch không phải là con số cộng mà phải quy hoạch để có cụm điện mặt trời, từ đó đầu tư xây dựng trạm biến áp nút gom công suất, xây dựng lưới điện truyền tải. Việc này hiện nay chưa được thực hiện.
Vậy, bài toán điện mặt trời có khả thi không? Theo tổng sơ đồ VII, đến năm 2020, công suất điện mặt trời sẽ là 850 MW. Để đầu tư có hiệu quả, EVN phải quy hoạch các nhà máy điện mặt trời bên cạnh các nhà máy điện có khả năng điều tiết công suất truyền tải như nhiệt điện than, khí, thủy điện thay cho vai trò ắc quy (do giá 9,35 Uscents cho điện mặt trời chưa có giá ắc quy). Chính vì vậy, EVN đang có lợi thế đầu tư điện mặt trời trên mặt các hồ thủy điện ở miền Trung và miền Nam như Yaly, Sê San 4, Đa Mi, Đa Nhim, Trị An…
Một dự án nữa khả thi là quy hoạch xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện khí (tổng công suất 3.000 MW) sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh. Quảng Nam đã chuẩn bị sẵn sàng 3.400ha mặt bằng để nhà đầu tư triển khai ngay khi dự án được cấp phép.
Có thể nói vào thời điểm này, những dự án nguồn điện nào khả thi nhất về tiến độ đều cần tháo gỡ bằng cơ chế và tinh thần quyết liệt của Chính phủ.