Kể từ khi được đưa vào sử dụng (vào năm 1994) đến nay, hệ thống đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam đã làm tốt sứ mệnh truyền tải điện từ Bắc vào Nam và ngược lại, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Những ngày tháng tư lịch sử này, hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam đang truyền tải điện công suất cao từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam, đáp ứng nhu cầu điện cao điểm mùa khô cho khu vực đầu tàu kinh tế lớn nhất của đất nước.
Công trình đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam đầu tiên (còn gọi là đường dây 500kV mạch 1) được thiết kế xây dựng vào năm 1992 nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa (từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình và một số nhà máy nhiệt điện than) ở miền Bắc để cung cấp cho miền Nam và miền Trung lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng. Sau gần 2 năm xây dựng, ngày 27/5/1994, toàn bộ công trình với gần 1.500 km (1.487 km) đường dây và 5 trạm biến áp 500kV kết nối đã chính thức đóng điện, vận hành, đưa hệ thống điện 3 miền hợp nhất trên toàn quốc. Vậy là sau 19 năm đất nước thống nhất, đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV đầu tiên cũng được hoàn thành, chạy suốt dọc dài đất nước từ Bắc vào Nam.
Bà Hồ Thị Bích Phượng, nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 - người đã từng lăn lộn trên công trường xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam từ những ngày đầu tiên, với tư cách giám sát nghiệm thu và sau này trực tiếp quản lý Trạm biến áp Phú Lâm và vận hành hơn 183km đường dây của toàn bộ công trình xúc động, tự hào khi nhớ lại giây phút đóng điện thành công công trình.
"Tôi ở miền Nam, nhận được những thành quả của công trình 500 kV này chính là những người dân Nam bộ, của dân miền Nam cho nên rất cảm động. Tôi nhớ giờ phút 19h06 phút ngày 27/5/1994 đóng điện - khi hòa điện vào đến Trạm Phú Lâm, thì lúc bấy giờ dân miền Nam mới nhận được dòng điện của hòa bình. Miền Nam vô cùng sung sướng. Đây chính là dấu ấn của đất nước Việt Nam đối với công trình 500 kV này. Sau này còn nhiều công trình vĩ đại hơn nhưng đây là công trình đầu tiên mà Bắc - Nam cùng một dòng điện, Bắc Nam cùng vui với nhau, cùng hòa chung với nhau, đó là niềm vui sướng nhất".
Về lợi ích của công trình này, GS.Viện sĩ. TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khẳng định, kể từ khi đi vào hoạt động, đường dây 500kV Bắc - Nam (mạch 1) đã không chỉ đảm bảo đủ điện cho miền Trung và cung cấp tới hơn 50% nhu cầu điện cho miền Nam phát triển kinh tế và đời sống. Đây còn là công trình có hiệu quả đầu tư nhanh nhất, chỉ trong khoảng thời gian hơn 2 năm (trong khi các chuyên gia nước ngoài tính toán nhanh nhất cũng phải mất từ 7-10 năm). Theo tính toán của GS Trần Đình Long, thời điểm này trung bình mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện miền Trung và miền Nam khoảng 2 tỷ kWh - thay vì phải chạy điện bằng dầu diezel thì chỉ sau 3 năm công trình đã thu hồi được hơn 6 nghìn tỷ đồng tiền vốn đầu tư (khoảng 500 triệu USD).
"Đây là một trong những công trình điện lực lớn và có thời gian thu hồi vốn nhanh nhất. Hay nói cách khác là hiệu quả kinh tế hết sức rõ ràng. Đó là một cách tính đơn giản thôi. Tuy nhiên, khi nói đến hiệu quả kinh tế của một công trình điện, đặc biệt là khi công trình ấy giải quyết vấn đề thiếu điện thì người ta lại có một cách tính khác nữa tức là nếu như anh cấp 1 kWh điện với giá 1000 đồng khi đưa vào sản xuất sẽ được hiệu quả hơn gấp nhiều lần cái nghìn đồng ấy. Nếu tính như vậy thì hiệu quả kinh tế của nó rất là lớn".
Với những lợi thế của công trình điện 500kV Bắc Nam đối với an ninh năng lượng của hệ thống điện quốc gia, từ năm 2000, đường dây 500kV mạch 2 được thi công xây dựng. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2005, đường dây 500kV mạch 2 (dài gần 1.200km) đã đồng thời giúp nâng gấp 2 lần năng lực truyền tải điện, góp phần đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống điện quốc gia, hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam đã phát huy hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ chuyển tải ngược một lượng điện năng lớn ra hỗ trợ cho miền Bắc, đặc biệt vào các thời điểm khô hạn.
Và để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam giai đoạn 2011-2020 với nhu cầu điện năng cao, góp phần đảm bảo an toàn an ninh năng lượng quốc gia thông qua hệ thống truyền tải điện siêu cao áp, đồng thời có thể liên kết với lưới điện khu vực, công trình đường dây 500kV mạch 3 - cung đoạn Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng đã thi công và hoàn thành đóng điện đúng vào ngày này của 4 năm trước (30/4/2014). Hiện nay, đường dây 500kV mạch 3 đang được tiếp tục triển khai xây dựng các cung đoạn Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và Dốc Sỏi - Pleiku 2.
Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) khẳng định, Tổng Công ty đã và đang tập trung mọi nguồn lực để vận hành an toàn, ổn định, tin cậy hệ thống truyền tải điện quốc gia nói chung cũng như đường dây 500 kV Bắc - Nam, đồng thời nỗ lực đảm bảo tiến độ đầu tư các công trình truyền tải điện theo kế hoạch gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Hiện nay EVNNPT đang thực hiện lộ trình chuyển các trạm biến áp (TBA) 220kV sang không người trực. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 EVNNPT sẽ chuyển khoảng 60% số TBA 220kV sang không người trực và phấn đấu 50% số TBA 500kV sang ít người trực".
Theo kế hoạch, năm 2018 sẽ có khoảng 181,2 tỷ kWh điện được truyền tải trên hệ thống truyền tải điện quốc gia (tăng 9% so với thực hiện năm 2017). Trào lưu truyền tải 6 tháng đầu năm chủ yếu theo hướng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam. Thực tế quý 1, sản lượng truyền tải vào tương đương khoảng 19% nhu cầu điện miền Nam. Để đảm bảo điện cao điểm các tháng mùa khô và cả năm 2018, EVNNPT đang tập trung hoàn thành đóng điện đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây và phấn đấu mục tiêu khởi công các dự án thuộc hệ thống 500kV Bắc - Nam mạch 3 trong quý 2 này (đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2).