Tham dự có ông Umeda Hideyuki - Phó Giám đốc ban Than, thuộc Cục Tài nguyên nhiên liệu - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI); ông Toshiyuki Oda - Giám đốc bộ phận Chiến lược công nghệ JCOAL.
Về phía EVN có Phó Tổng giám đốc EVN - ông Nguyễn Tài Anh, cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn và đại diện các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN.
Sử dụng nhiệt điện than ở Việt Nam là cần thiết, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng điện ở mức khoảng 10%/năm và đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện than ở nước ta dự kiến đạt khoảng 55.300 MW, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất toàn hệ thống và tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than. Mục tiêu này đặt ra không ít thách thức cho EVN về nguồn vốn đầu tư dự án và nguồn than cho sản xuất điện - Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là công nghệ của các nhà máy nhiệt điện than. Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tài Anh, nhiều nhà máy của Việt Nam đã được ứng dụng công nghệ hiện đại như siêu tới hạn (USC), công nghệ giảm phát thải carbon ra môi trường (carbon capture and storage). Trong đó, EVN đang quản lý 12 nhà máy và đều ứng dụng các công nghệ tiên tiến để đáp ứng yêu cầu về hiệu suất cao và thân thiện với môi trường.
Hầu hết các nhà máy của EVN được đầu tư công nghệ lọc bụi tĩnh điện (ESP) với hiệu suất tốt và khả năng lọc bụi rất cao. Để khử lưu huỳnh trong khói than, hầu hết các nhà máy sử dụng công nghệ khử SOx bằng đá vôi và nước biển (Sea-FGD), đảm bảo phát thải khí SOx đáp ứng được các yêu cầu theo QCVN 22:2009 - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện.
Để xử lý khí NOx, EVN áp dụng công nghệ Low - NOx để giảm phát thải ni-tơ trong không khí. Một số nhà máy điện như Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 được đầu tư lắp đặt hệ thống SCR (Selective Catalytic Redution) hiện đại để xử lý NOx bằng NH3.
Đối với tro, xỉ tại các nhà máy, EVN đã phối hợp với các đơn vị kiểm định độc lập như Vinacontrol, JCOAL để tổ chức lấy mẫu tro, xỉ phân tích. Kết quả, tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện là chất thải công nghiệp thông thường, không phải chất nguy hại.
Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn, tình hình tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN tương đối tốt. Tro, xỉ được các doanh nghiệp đối tác sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Tại Hội nghị, đại diện JCOAL đánh giá cao những công nghệ mà EVN đang sử dụng tại các nhà máy nhiệt điện trực thuộc. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản về việc sử dụng công nghệ giảm thiểu ô nhiễm không khí. Đại diện JCOAL cũng chia sẻ thông tin về triển khai các thủ tục Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhà máy nhiệt điện than tại Nhật Bản.
Các bên cũng trao đổi kinh nghiệm về trách nhiệm xã hội của các nhà máy nhiệt điện than, cũng như cách thức tổ chức hoạt động truyền thông với người dân và chính quyền địa phương nơi nhà máy hoạt động; kinh nghiệm về mua và vận chuyển than, hợp đồng mua bán than, nghiệp vụ vận chuyển than quốc tế.
Nguồn tin: Trang tin EVN.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn