EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

EVNGENCO2

EVNGENCO2

Tổng công ty phát điện 2

Kỹ sư Dương Quốc Vinh – Tấm gương điển hình trong cải tiến kỹ thuật

Thứ sáu - 21/08/2020 09:19    Đã xem: 1374    0
Tổ trưởng Tổ Thí nghiệm điện của Phân xưởng Sửa chữa Điện - Tự động, Công ty Nhiệt điện Cần Thơ - anh Dương Quốc Vinh - một gương mặt quen thuộc, một cây sáng kiến tiêu biểu của Công ty.
Anh Dương Quốc Vinh đang thao tác điều chỉnh motor valve S1 tại Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I
Anh Dương Quốc Vinh đang thao tác điều chỉnh motor valve S1 tại Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I
Sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật Bưu điện Tiền Giang, từ năm 1998, anh Dương Quốc Vinh bắt đầu công tác tại Công ty Nhiệt điện Cần Thơ với vai trò là công nhân kỹ thuật tại Phòng Thí nghiệm Điện – Hoá. Năm 2004, anh hoàn thành chương trình học tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với bằng Kỹ sư Điện khí hóa & cung cấp điện. Đến năm 2011, anh được bổ nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ thí nghiệm Điện, Phân xưởng sửa chữa Điện - Tự động. Trong thời gian công tác tại đơn vị, anh Vinh được nhiều người biết đến qua những sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng trong công tác sản xuất của Công ty để rút ngắn thời gian sửa chữa và làm giảm chi phí đáng kể. Từ năm 2006 đến năm 2019, anh đã có 07 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đưa vào sử dụng thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện giải pháp kỹ thuật tăng năng suất lao động.  
   

Trong các công tác liên quan đến các thiết bị điện, việc phát hiện sớm và ngăn ngừa sự cố luôn được anh chú ý và coi trọng. Vào năm 2017, anh Vinh đã xây dựng sáng kiến Cài đặt thêm chức năng cho các relay Micom P126 bảo vệ thiết bị AC 400V sớm phát hiện chạm đất ngăn ngừa sự cố thiết bị cho tổ máy S1. Trên thực tế, tổ máy S1 của Nhà máy nhiệt điện Ô môn I được thiết kế với 28 tủ relay Micom P126 bảo vệ cho tất cả các thiết bị 400VAC. Trong phần bảo vệ về điện có chức năng bảo vệ chạm đất (67N), khi xảy ra chạm đất cho bất kỳ 01 trong các thiết bị 400VAC với dòng và áp đủ lớn đạt đến giá trị đặt của chức năng 67N thì relay sẽ hoạt động mở máy cắt gây sự cố cả ngăn thiết bị, trong đó có một số ngăn dẫn đến tổ máy sự cố. Sáng kiến này của anh đã giúp kịp thời phát hiện được các thiết bị suy giảm cách điện có khả năng chạm đất dòng thấp, đồng thời đưa ra báo động cho từng khu vực tủ thiết bị chạm đất, kịp thời can thiệp, hạn chế sự cố cho các tổ máy trong lúc vận hành. Giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực rất lớn trong công tác sửa chữa. Sáng kiến ấy đã được hội đồng xét duyệt sáng kiến Công ty công nhận là sáng kiến trong năm 2017.

Đến năm 2018, anh Vinh đề xuất phương án “Cải tạo mạch điều khiển máy cưa Kasto tại Phân xưởng Sửa chữa Cơ nhiệt”. Thực tế bộ phận CB điều khiển của máy bị hư chức năng mở/đóng tại chỗ, bảo vệ quá dòng và chức năng tự động mở khi máy cưa hết hành trình cắt kim loại. Do CB là loại thiết bị chuyên dùng theo máy nên không thể sửa chữa và mua trên thị trường để thay thế được. Việc thực hiện giải pháp lắp mạch điều khiển cho máy cưa Phân xưởng Sửa chữa Cơ nhiệt đem lại lợi ích thiết thực cũng như tính chuyên nghiệp trong công tác bảo trì và sửa chữa thiết bị điện: đáp ứng được các yêu cầu về vận hành và bảo vệ, cũng như an toàn cho người sử dụng. Do các thiết bị được lắp trong tủ điều khiển này là các thiết bị thông dụng trên thị trường hiện nay, nên việc thay thế trong công tác sửa chữa sẽ kinh tế hơn rất nhiều so với việc thay thế thiết bị chuyên dùng khác. Phương án này của anh đã được Hội đồng xét duyệt sáng kiến Tổng công ty Phát điện 2 công nhận là sáng kiến trong năm 2018.

Một trong những sáng kiến nổi bật nhất của anh là “Thay thế relay trung gian cho các mạch điều khiển máy cắt” được Hội đồng xét duyệt sáng kiến Tổng công ty công nhận là sáng kiến trong năm 2019. Thực trạng trước khi áp dụng sáng kiến, tổ máy S1 có khoảng 60 mạch điều khiển máy cắt 6.6 kV và 40 mạch điều khiển máy cắt 0.4kV. Trong từng mạch điều khiển này có khoảng 08 đến 14 relay trung gian làm nhiệm vụ trong mạch bảo vệ, liên động và điều khiển máy cắt... Trong đó có các relay loại Hyundai HMT thường xuyên vận hành (cuộn dây mang điện) dẫn đến tuổi thọ hoạt động loại relay này ngắn và mau hư hỏng mạch từ.

Hiệu quả và tính kinh tế sau khi thực hiện sáng kiến đem lại từ việc thay thế loại relay trung gian này mang lại là rất lớn (tiết kiệm trên khoảng 400 triệu đồng cho việc thay thế 400 cái relay trung gian của 100 mạch điều khiển máy cắt hiện hữu tổ máy S1, chưa tính áp dụng cho tổ máy S2 sau này) do các relay loại OMRON - MY4 có giá thành thấp hơn nhiều so với loại hiện hữu (Hyundai HMT) đang sử dụng vận hành (thấp hơn 1.000.000 đồng/1 cái). Cải tiến của anh đã giúp tiết kiệm được chi phí thay thế và bảo dưỡng thiết bị từ đó giúp tiết kiệm được ngân sách của Công ty và nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong đơn vị.  

Với nhiệt huyết và lòng đam mê đầy sáng tạo, khám phá các giải pháp áp dụng trong công tác sản xuất, anh Vinh nhận được sự quan tâm và ủng hộ của Ban lãnh đạo Công ty cùng đội ngũ làm công tác kỹ thuật, luôn tạo điều kiện để anh có thể phát huy sức sáng tạo của mình trong lao động sản xuất.
 
NĐCT 2 gương sáng
Anh Dương Quốc Vinh đang thao tác kiểm tra sửa chữa máy biến tần tại đơn vị

Với những kết quả đạt được, anh luôn là một trong những điển hình tiên tiến của đơn vị, nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động giỏi, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương giai đoạn 2006-2008; được tặng thưởng Bằng khen Tập đoàn Điện lực Việt Nam (năm 2015 và 2016); nhận Bằng khen Bộ Công Thương (năm 2017). Hiện nay, anh đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình các cấp xét hồ sơ đề nghị khen tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong thời gian qua.
 
Nguồn: Kiều Anh – Cty NĐ Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây