Quang cảnh buổi họp tham vấn cấp kỹ thuật
Khung giám sát, đánh giá thực hiện Tuyên bố JETP bao gồm các mục tiêu có thể đạt được với sự hỗ trợ đầy đủ và thực chất của quốc tế, cùng với bộ chỉ tiêu cụ thể sử dụng thu thập thông tin để xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất việc thực hiện JETP của các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan và để phục vụ đối thoại giữa các bên tham gia triển khai thực hiện JETP nhằm đánh giá được kết quả và tác động kinh tế, xã hội, môi trường tự các dự án, hoạt động trong khuôn khổ Tuyên bố JETP và đóng góp của các dự án hoạt động này trong thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC).
Trên cơ sở tổng hợp các văn bản của nhóm đối tác quốc tế (IPG), các Bộ, ngành và doanh nghiệp nhằm triển khai Tuyên bố JETP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp các danh mục đề xuất dự án ưu tiên triển khai thực hiện JETP bắt đầu từ năm 2024, trong đó Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại nằm trong nhóm các đề xuất dự án đầu tư ưu tiên triển khai thực hiện JETP với đề xuất chuyển đổi nhà máy Nhiệt điện than Phả Lại 1 sang sử dụng 100% nhiên liệu phù hợp, không phát thải CO2 cho các tổ máy 4x110MW nếu công nghệ khả thi về mặt kinh tế và sẵn có; Nhà máy Nhiệt điện than Phả Lại 2 chuyển sang sử dụng 100% nhiên liệu phù hợp không phát thải CO2 thông qua chuyển dần phương pháp đồng đốt sang tăng cường hấp thụ.
Các chuyên gia trình bày Hạng mục JETP 1 về chuyển đổi nhà máy Nhiệt điện than
Phát biểu tại buổi họp, ông Mai Quốc Long – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đã nêu khái quát về lộ trình chuyển đổi nhiên liệu tại Nhà máy Phả Lại 1 và Nhà máy Phả Lại 2. Theo đó, mục tiêu tiên quyết của Công ty là giảm phát thải khí nhà kính, phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch than sang sử dụng nhiên liệu sạch lại gặp những khó khăn, thách thức rất lớn. Do đó, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các Bộ, ngành liên quan trong thời gian tới để có cơ chế, chính sách giúp phê duyệt nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư. Đồng thời đề xuất Nhóm đối tác quốc tế và các bên liên quan khẩn trương hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ JETP để hiện thực hóa mục tiêu, chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam từ nay đến năm 2050. Ông Long đánh giá cao quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng là một trong những giải pháp giúp các nhà máy Nhiệt điện than tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển carbon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0”.
Ông Mai Quốc Long phát biểu tại buổi làm việc
Kết thúc buổi họp tham vấn cấp kỹ thuật, các Bộ, ngành và các nhóm đối tác Quốc tế IPG, GFANZ đánh giá rất cao cơ hội chuyển đổi nhiên liệu tại Công ty Cổ phần Nhiệt Điện Phả Lại. Các Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 và Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 tiếp tục nằm trong danh sách Nhóm A – nhóm dự án ưu tiên cao trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng của Việt Nam để trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành đất nước hiện đại, vận hành bằng nguồn năng lượng sạch, an toàn và đáng tin cậy. Thời gian tới, PPC sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để thảo luận chi tiết về các vấn đề kỹ thuật, phương án, cũng như lộ trình chuyển đổi nhiên liệu tại Nhà máy Phả Lại 1&2.
Nguyễn Đức Nam - PPC