Hội thảo có sự tham dự của các đại diện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các cơ quan chính phủ, thành viên của Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) và GFANZ (liên minh các tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới về giảm phát thải), các tổ chức tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư, đối tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ, đại diện các nhà máy sẽ tham gia thí điểm trong lộ trình chuyển đổi từ sản xuất nhiệt điện than sang các giải pháp thay thế bền vững tại Việt Nam, gồm: Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Cao Ngạn và BOT Vân Phong.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã lần lượt trình bày về kết quả nghiên cứu điển hình toàn diện, qua đó đưa ra các lộ trình chuyển đổi khả thi cho các nhà máy nhiệt điện than lớn của Việt Nam - cụ thể là Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong, trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động đến môi trường, xã hội, lao động, địa phương… so sánh lợi ích của các phương án chuyển đổi năng lượng khác nhau như chuyển đổi sử dụng nhiên liệu không phát thải khí nhà kính (công nghệ đồng đốt), chuyển đổi sang điện khí LNG, khí NH3 và tích hợp các nguồn tài nguyên tái tạo đã được đánh giá cùng với các công nghệ tiên tiến như Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) và Thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).
Dịp này, đại diện của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng trình bày kinh nghiệm của Indonesia, Philippines về cơ chế chuyển đổi năng lượng; đại diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ kết quả nghiên cứu bước đầu về các giải pháp chuyển đổi cho nhà máy nhiệt điện than. Bên cạnh đó, các đại biểu đã cùng thảo luận về các thông lệ quốc tế tốt nhất, tiến bộ công nghệ và mô hình tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Các chuyên gia trình bày các phương án chuyển đổi tại Hội thảo
Đại diện Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), ông Mai Quốc Long -Chủ tịch Hội đồng quản trị đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi nhiên liệu tại Công ty. Theo ông Long, hiện PPC đang quản lý vận hành 04 tổ máy công suất 440 MW, hoạt động đã xấp xỉ 40 năm và 02 tổ máy với tổng công suất 600 MW vận hành đã gần 20 năm bằng nhiên liệu hóa thạch (than). Đến thời điểm hiện tại, nguồn nhiên liệu than cung ứng trong nước đã dần cạn kiệt, phải nhập khẩu từ nước ngoài như Úc, Nam Phi… rất khó khăn, phức tạp.
“Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, Lãnh đạo của Công ty đã khẩn trương chỉ đạo Đơn vị cần sớm tìm ra phương án chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu đồng đốt (như đốt sinh khối, đốt amoniac..) lại gặp phải những khó khăn thách thức rất lớn như công nghệ đốt trộn amoniac hiện nay trên thế giới chưa hoàn thiện (mới trong giai đoạn thử nghiệm), chưa có nhà máy điện nào ở Việt Nam cải tiến, thử nghiệm đồng đốt amoniac và có đánh giá về tính kinh tế, kỹ thuật, cũng như các ảnh hưởng tác động đến con người, môi trường, thiết bị. Mặt khác, hiện nay khả năng cung cấp nhiên liệu ammoniac, hay sinh khối ở trong nước còn hạn chế, chưa đảm bảo nguồn cung để vận hành lâu dài và ổn định. Giá nhiên liệu sinh khối, ammoniac trên thị trường cao hơn giá than rất nhiều…”, ông Long cho biết.
Cũng theo ông Long, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách về hỗ trợ giá chuyển đổi cho nhà máy thực hiện đồng đốt nhiên liệu này để các nhà máy triển khai thử nghiệm. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương sớm có lộ trình và các cơ chế, chính sách cụ thể (về quy hoạch vùng nguyên liệu sinh khối, hỗ trợ tài chính, giá bán điện) làm cơ sở để các nhà máy nhiệt điện triển khai, áp dụng… Đồng thời, đề nghị UNDP và các đối tác sớm hỗ trợ kỹ thuật để PPC nghiên cứu chuyển đổi nhiên liệu, có cơ sở đề xuất các cơ chế chính sách thí điểm triển khai với Nhà nước.
Ông Mai Quốc Long - Chủ tịch HĐQT PPC phát biểu tại Hội thảo
Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam - bà Ramla Khalidi cho biết: “Sự phụ thuộc của chúng ta vào sản xuất điện than đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng. Việc loại bỏ dần điện than là điều cần phải làm chứ không phải một lựa chọn, nhằm giảm lượng phát thải carbon cho nền kinh tế Việt Nam và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.
Bà Ramla cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực phối hợp giữa các bên nhằm giảm thiểu những tác động đến môi trường, an sinh xã hội: “Một số lượng lớn công nhân lao động trực tiếp hoặc gián tiếp trong các hoạt động khai thác than, vận tải và sản xuất điện, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, có thể bị ảnh hưởng bởi việc ngừng sử dụng than. Điều quan trọng là phải cung cấp các hỗ trợ về tái đào tạo kỹ năng cho những người lao động và cộng đồng bị ảnh hưởng, đồng thời cần thiết để đảm bảo sự tham gia của họ và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi này.
Bà Ramla Khalidi phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về lộ trình, phương án chuyển đổi nhiên liệu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Việt Nam như đã cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra từ ngày 01 đến ngày 12/11/2021 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.
Hội thảo lần này cơ hội để chủ đầu tư của các nhà máy điện, các nhà đầu tư tiềm năng và các tổ chức tài chính tìm hiểu sự hợp tác cho quá trình chuyển đổi của các nhà máy điện than tại Việt Nam trong tương lai.
Nguyễn Đức Nam - PPC