Cuộc điện thoại đầu tiên tôi gọi cho anh: “Anh Chuẩn phải không ạ, em là…” rồi nói nhiều nhiều chủ yếu là thuyết phục anh đồng ý cung cấp thông tin cá nhân cho bài viết. Thường thì người ta cảm thấy vui, phấn khởi khi có người viết tuyên dương về mình nhưng anh lại khác, với giọng nói trầm ấm, giản dị, anh bảo: “Thành tích của anh có gì đáng nói đâu em, chỉ là những điều nhỏ bé anh đóng góp cho phân xưởng, cho Công ty thôi. Em viết về người khác đi, có rất nhiều người hơn anh đấy”.
Tôi không biết phải làm sao để khai thác đành đến phân xưởng gặp những đồng nghiệp của anh để “tìm hiểu” về anh và những sáng kiến, những cống hiến của anh cho Công ty. Có lẽ cũng thấy động lòng trước sự “lăn lộn” của tôi nên cuối cùng anh cũng đồng ý cho tôi “tìm hiểu” về anh – người công nhân có gương mặt sáng, dáng người tầm thước với nhiều đóng góp không hề nhỏ bé chút nào! Anh là Nguyễn Hữu Chuẩn, sinh năm 1982, kỹ sư điện, cử nhân kinh tế Đại học Bách Khoa, một người con của quê lúa Thái Bình. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp anh đến với ngành Điện và gắn bó cùng nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ phần mềm Thông tin - Phân xưởng Điện - Tự động.
Nhà máy Hải Phòng 1&2 với 4 tổ máy chạy liên tục tối đa công suất, hệ thống điều khiển trong nhà máy điện vô cùng phức tạp và rất đa dạng do đó khi làm việc với mỗi một hệ thống cũng như ta rọi đèn pin vào màn đêm, soi tới đâu sẽ biết được tới đó và mỗi công việc một đặc thù riêng. Anh đã cố gắng để tìm đúng bản chất của vấn đề và tìm tòi cách giải quyết nhanh, hiệu quả, phù hợp nhất. Đặc biệt anh luôn tìm cách phát huy sự trợ giúp của máy tính của các phần mềm khi có thể, cứ kiên trì như vậy, liên tục các sáng kiến của anh ra đời giúp nhà máy giải quyết được rất nhiều khó khăn vướng mắc khi vận hành.
Đầu tiên phải kể đến đó là việc anh cải tiến mạch giám sát, bảo vệ quay ngược động cơ nghiền xỉ, một trong những vấn đề nan giải của quá trình sản xuất. Khi chưa có giải pháp, cảm biến điện từ được sử dụng để xác định tốc độ của máy nghiền xỉ từ đó tác động đi bảo vệ động cơ trong trường hợp máy nghiền xỉ bị kẹt. Tuy nhiên cảm biến điện từ thường bị hỏng do làm việc trong môi trường khắc nghiệt thường xuyên có nước và xỉ bắn vào dẫn đến sự cố xảy ra: Động cơ nghiền xỉ bị tắc, bị cháy do mạch bảo vệ ngừng không tác động; xỉ đáy lò không được xả theo đường ống mà phải xả ra sàn làm ảnh hưởng tới môi trường. Tải khối phải giảm do không thải được xỉ, ảnh hưởng tới phương thức vận hành tổ máy. Lúc này rất cần có một giải pháp cụ thể tháo gỡ tình hình?
Những câu hỏi đặt ra luôn canh cánh trong đầu khiến anh ngày đêm suy nghĩ và sau bao trăn trở anh đưa ra giải pháp: Thiết kế mới hoàn toàn một logic để thực hiện tính toán, giám sát dòng điện, phát hiện ra động cơ bị quá tải sau đó điều khiển quay ngược động cơ tránh quá tải, cháy hỏng, giải pháp mang lại giá trị lợi ích kinh tế: 276.250.000VNĐ/năm.
Việc thống kê, giám sát sản lượng điện hàng tháng được tập hợp thủ công bằng cách cộng sản lượng chốt hàng ngày, dễ gây sai sót, không có tính liên tục và chưa có tính ứng dụng cao. Trước vướng mắc này anh đã ấp ủ và cho ra đời 1 giao diện chương trình tính toán, giám sát sản lượng điện được cập nhật liên tục giúp người dùng đánh giá được việc thực hiện kế hoạch hàng tháng, hàng năm và số lần sự cố của từng tổ máy, rất thuận tiện.
Trong lao động sẽ có sáng tạo, những lần gặp sự cố than bị tràn đầy ra sàn thao tác, gây bụi bặm vô cùng mà hệ thống cày dỡ tải vận hành ở chế độ Local nên dù công nhân có chủ động theo dõi nhưng vẫn không tránh khỏi. Anh canh cánh trong đầu về một giải pháp - được sự hỗ trợ từ lãnh đạo và sự kết hợp ăn ý từ đồng nghiệp anh đưa ra bản thiết kế logic điều khiển cày dỡ tải dựa theo thiết bị báo mức trong bunke để cày có thể tự động, đồng thời giám sát liên tục quá trình cấp than tránh hiện tượng tràn không mong muốn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới các thiết bị khác. Giải pháp mang lại giá trị lợi ích kinh tế: 126.300.000 VNĐ/năm.
Nhà máy lớn, thiết bị nhiều và phức tạp, việc theo dõi, quản lý kỹ thuật, thống kê số giờ vận hành phục vụ công tác sửa chữa thực hiện chủ yếu qua việc ghi chép sổ sách. Chưa có tín hiệu cảnh bảo bằng hình ảnh, âm thanh khi các thông số chính vi phạm giá trị báo động khiến cho nhân viên vận hành không nhận diện sớm được các nguy cơ nên đôi khi dẫn đến những sự cố đáng tiếc, thậm chí Trip tổ máy. Thêm một câu hỏi đặt ra cho người kỹ sư trẻ, đứng trước vấn đề anh đã đưa ra rất nhiều phương án nhưng cuối cùng phương án thiết kế logic, thiết lập giao diện tính toán số giờ vận hành của các thiết bị chính trong dây chuyền, các giá trị cảnh báo thông số chính khi vi phạm giới hạn, tạo dữ liệu âm thanh để phát ra các cảnh báo tương ứng được anh lựa chọn như một giải pháp hữu hiệu. Giá trị lợi ích kinh tế mang lại của sáng kiến không tính được bằng con số cụ thể nhưng vô cùng ý nghĩa và cần thiết.
Vận hành lò máy không thể nói mạnh được, đang chạy yên ổn đấy, thế mà sự cố thì cũng nhanh trong tích tắc vi phạm chế độ, nhiều anh em công nhân không thể quên được những pha Trip lò do dao động buồng lửa nhanh đến bàng hoàng. Bao ngày “lao tâm khổ tứ” anh đưa ra ý tưởng này, nêu ra ý tưởng khác mà vẫn chưa thỏa mãn... hì hụi nghiên cứu ngày đêm và cuối cùng anh đề xuất phương án thiết kế logic, thiết lập giao diện tính toán theo dõi, phát hiện, đồng thời tự động đốt 04 vòi dầu vị trí trung tâm buồng đốt để hỗ trợ, duy trì quá trình cháy trong lò, giảm nguy cơ Trip lò do các biến động về áp suất buồng lửa, biến đổi về nhiên liệu. Giải pháp này thực hiện sẽ giảm nguy cơ Trip lò, giúp nhân viên vận hành xử lý nhanh chóng các tình huống dao động buồng lửa, giá trị lợi ích kinh tế giải pháp mang lại: 4.500.000.000 VNĐ.
Các sáng kiến của anh rất thiết thực, mang lại lợi ích to lớn, được hội đồng xét duyệt đánh giá rất cao. Cứ thế suốt 9 năm qua anh lặng lẽ với những nghiên cứu của mình, lặng lẽ làm không khoa trương cũng chẳng vì mong cầu thành tích, chỉ đơn giản làm sao cho máy móc chạy ngon lành, tổ máy không phải dừng vì sự cố thế là vui lắm rồi. Anh nói: “Làm việc với máy móc thiết bị cũng như chăm sóc con thơ, lơ là cái là chúng hắt hơi sổ mũi, ốm ngay… lúc ấy mình lại mệt hơn, chi bằng lúc chúng khỏe mạnh mình chịu khó chăm chút, để ý thì có phải tốt hơn không”. Tôi thực sự chỉ biết cười – cười tươi trước câu nói thật như đất của anh và cũng nể anh quá, anh nói một câu từ thâm tâm như vậy đã chứng tỏ rằng anh rất có trách nhiệm với gia đình vợ con - một người chồng, người cha chu đáo.
Tôi làm công việc phân tích mẫu mười mấy năm nay, yêu cái nghề nhìn tưởng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thực ra phải tập trung cao độ, công tâm và mạnh mẽ mới có thể thực hiện được việc phá các mẫu, phân tích rõ thành phần, chất lượng của chúng rồi báo cáo chính xác… Với ngòi viết tôi cũng nghĩ vậy khi “phân tích” về một ai đó cũng rất cần khách quan, chi tiết và trung thực, nên khi viết về anh tôi thực sự ngưỡng mộ trước những đóng góp của anh cho công ty, những cống hiến thầm lặng và tấm lòng rộng lớn khi anh luôn dành rất nhiều thời gian trong ngày của mình cho công việc, cho những nghiên cứu kỹ thuật. Anh mong muốn các tổ máy vận hành ổn định, đạt năng suất theo yêu cầu để góp phần đem lại cuộc sống đầy đủ, yên vui cho hàng nghìn công nhân.
Với những gì anh đã và đang cống hiến nhất định anh sẽ còn đem lại nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị nữa. Anh chị em đồng nghiệp rất cảm phục, họ luôn vững tin và yên tâm khi bất cứ công việc nào có anh tham gia. Lối sống giản dị chan hòa, hồn hậu, thân tình, đồng nghiệp quý mến anh như người anh cả.
Gặp anh vào một buổi chiều thu, nắng vàng, anh chia sẻ: “Thấy lãnh đạo Công ty vẫn đang ngày đêm vất vả, lo toan để quản lý vận hành ổn định các tổ máy, mình cũng cố gắng noi theo mong góp được một phần công sức thôi em”.
Tác phẩm "Anh kỹ sư tài ba" của tác giả Nguyễn Thu Thuần đã đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi viết "Gương sáng tiêu biểu ngành Điện" năm 2019. |
Nguồn tin: Nguyễn Thu Thuần
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn