Cổng Dịch vụ công Quốc gia được khai trương ngày 9/12/2019. |
"Cánh cửa mở" từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) được khai trương, có 3 dịch vụ điện được Chính phủ cho phép tích hợp, cung cấp. Ðến ngày 24/12/2019, toàn bộ các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 đều được hoàn thành tích hợp, cung cấp tới người dân qua CDVCQG. Tại thời điểm đó, EVN được ghi nhận là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất được cung cấp các dịch vụ trực tuyến trên CDVCQG. “Ðây là cố gắng rất lớn, là dấu ấn mạnh mẽ của EVN trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, hướng tới việc cung cấp dịch vụ điện mà nhân viên ngành Ðiện không cần gặp trực tiếp khách hàng, nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, thực tế, có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp muốn đưa dịch vụ lên CDVCQG nhưng chỉ những đơn vị đã có cải cách hành chính thật sự, có trách nhiệm và thái độ phục vụ tốt, có dịch vụ thuận lợi, giảm khó khăn, giảm tiêu cực cho người dân mới được lựa chọn. Trong đó, EVN được đánh giá là DNNN đi đầu trong cải cách hành chính, đặc biệt là khâu tiếp cận điện năng.
Việc đưa các dịch vụ điện, trong đó có “cấp điện mới qua lưới trung áp” trên CDVCQG được kỳ vọng sẽ mở thêm cánh cửa cơ hội, tiếp tục thúc đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thêm thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi muốn tiếp cận điện. Khi yêu cầu dịch vụ điện trên CDVCQG, mọi hồ sơ, thủ tục của khách hàng sẽ được đơn giản hóa. Một số giấy tờ như: Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ được thay thế bằng các thông tin người dùng đã được CDVCQG xác thực và định danh. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp giảm được thời gian thực hiện các giao dịch, đồng thời có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh về việc cung cấp dịch vụ của ngành Ðiện.
Với quan điểm, thực hiện cải cách mạnh mẽ, thực chất, tạo những thay đổi thực sự có lợi cho người dân, doanh nghiệp, tại cuộc họp bàn về giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng yêu cầu, các cơ quan liên quan cần xem xét sửa đổi một số Thông tư liên quan của Bộ Công Thương và Bộ Giao thông - Vận tải, với mục tiêu tích hợp/giảm số thủ tục, giảm giấy tờ hành chính cho mỗi thủ tục. Ðặc biệt, việc xây dựng quy trình liên thông một cửa qua Cổng DVCQG cấp điện qua lưới điện trung áp cũng đang được triển khai. Theo đó, hệ thống thông tin trên website CSKH ngành Ðiện và các Sở, Ủy ban nhân dân các quận, huyện được kết nối đồng bộ dữ liệu qua CDVCQG để tiếp nhận thông tin yêu cầu dịch vụ từ khách hàng, ghi nhận tiến trình xử lý và phối hợp trong khảo sát hiện trường. Qua đó, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và đơn vị Ðiện lực, đáp ứng yêu cầu tiếp cận điện năng của người dân theo đúng tiêu chí, nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch.
Công nghệ thông tin là nền tảng cải cách
Năm 2020, EVN đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, duy trì vị trí top 4 ASEAN. Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, Tập đoàn đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm số thủ tục trong tiếp cận điện năng. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 01/3/2020, Tổng công ty Ðiện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã ứng dụng bản đồ GIS (hệ thống thông tin địa lý) vào khảo sát trực tuyến điểm đấu nối trên cơ sở dữ liệu lưới điện trung thế. Nhờ đó, đối với công trình TBA khách hàng đầu tư, thay vì phải khảo sát hiện trường như hiện nay, Ðiện lực sẽ thực hiện số hóa, giảm bớt các bước thực hiện cấp điện.
Ngoài ra, đối với lưới hạ áp, Tập đoàn đã chỉ đạo Tổng công ty Ðiện lực miền Trung/Công ty TNHH MTV Ðiện lực Ðà Nẵng, thí điểm ứng dụng Chương trình Thông tin hiện trường và các dữ liệu từ các phần mềm dùng chung liên quan, từ 01/4/2020, bỏ khâu khảo sát hiện trường; giảm bớt thủ tục và rút ngắn thời gian thi công, sớm cấp điện cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc đánh giá chỉ số tiếp cận điện năng cũng như các tiêu chí chấm điểm, xếp hạng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Cụ thể là, số thủ tục, thời gian, độ tin cậy cung cấp điện, minh bạch giá điện và chi phí... Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt số thủ tục, rút ngắn thời gian cấp điện tới khách hàng, EVN sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, góp phần tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, cung cấp điện và dịch vụ điện tới khách hàng với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của EVN) cho biết: “EVN đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, chỉ số tiếp cận điện năng đã thu được kết quả rất ấn tượng, xếp hạng 27/190 quốc gia, nền kinh tế, đứng thứ 4 ASEAN và vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chính phủ đề ra”. |
Nguồn tin: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn