Hạn hán và nhiễm mặn kỷ lục
Nắng nóng cục bộ dẫn đến nhiều dòng sông khô đáy, một số nhà máy thủy điện “phá vỡ” quy trình vận hành liên hồ chứa... là thực trạng nan giải ở phía thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn. Hệ lụy sẽ kéo theo cả vùng hạ du bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt lẫn sản xuất của nhân dân. Làm thế nào để khai thác, sử dụng và chia sẻ nguồn nước hài hòa là câu chuyện không thể một sớm một chiều có lời giải.
Nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 4 giai đoạn 2015 - 2019 đều rất thấp, riêng hồ thủy điện A Vương hiện nay thiếu hơn 100 triệu mét khối so với quy định tại Quy trình 1537 do Thủ tướng phê duyệt. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ nhận định, năm 2019 mực nước trung bình tháng hầu hết đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), đặc biệt tại Giao Thủy mực nước xuống thấp hơn mức thấp nhất lịch sử hơn 40 năm qua. Hiện nay, lưu lượng dòng chảy trên sông Vu Gia - Thu Bồn đã xuống rất thấp, một số hồ chứa phải hạn chế phát điện để trữ nước phục vụ chống hạn.
Hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4 hai năm nay không xuất hiện lũ, các ngành chức năng đang tính toán có nên đồng ý cho nhà máy thủy điện A Vương ngừng vận hành để tích trữ nước hay không. Độ mặn các tháng trong năm 2019 cao hơn độ mặn lớn nhất lịch sử quan trắc từ năm 2011 - 2018, đặc biệt ở sông Hàn, tại cầu Nguyễn Văn Trỗi; sông Thu Bồn tại Câu Lâu, độ mặn cao nhất nhất từ năm 2005 đến nay.
Thời gian qua, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng triển khai hàng loạt biện pháp để chống hạn và xâm nhập mặn, kể cả đầu tư khẩn cấp các công trình ứng phó với thiên tai. Về phía Quảng Nam, năm 2019, chính quyền tỉnh đã xây dựng 4 đập tạm ngăn mặn và theo kế hoạch năm nay sẽ đầu tư 1 dự án lấy nước trên dòng Vu Gia phục vụ chống mặn ở TP.Hội An. Ngành nông nghiệp đã tiên lượng khó khăn của hiện tượng nhiễm mặn sông nên có phương án đối phó.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, ngoài biện pháp đắp đập tạm trên sông Vu Gia, với các sông còn lại sẽ khống chế việc nhiễm mặn sâu, tính toán thời điểm vận hành của các nhà máy thủy điện. Đầu năm nay, UBND tỉnh lập kế hoạch sử dụng nước, đảm bảo mực nước hồ. “Các công trình, dự án mà Quảng Nam đang nghiên cứu, thu hút đầu tư đều có phương án dự phòng, tính toán khả năng đưa nước ngọt về phục vụ cho Đà Nẵng” - ông Trương Xuân Tý nói.
Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, tổng lượng nước đến thời điểm 1.3.2020 chỉ đạt hơn 73% so với khả năng tích, trong đó thiếu hụt chủ yếu ở nhánh sông Vu Gia (gồm các nhà máy thủy điện A Vương, Sông Bung 2 và Sông Bung 4); sản lượng điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 200 triệu kWh.
Ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị, UBND tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng sớm thống nhất nhu cầu sử dụng nước từ các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cho thời gian còn lại mùa khô năm nay, theo hướng phù hợp với thủy văn hiện tại, đặc điểm tiêu thụ điện; có tính đến tình huống lũ về muộn hoặc không có lũ. Đồng thời về lâu dài có giải pháp về công trình, giảm phụ thuộc vào vận hành các hồ chứa thủy điện. Đề xuất Bộ Tài nguyên và môi trường cho phép vận hành các hồ chứa thủy điện dưới mực nước quy định của Quy trình liên hồ.
Đề xuất dự án đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông
Tại cuộc họp đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2019 và đề xuất kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng cuối tuần qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, Quảng Nam và TP.Đà Nẵng thống nhất nhu cầu sử dụng nước từ các hồ chứa trên lưu vực sông cho thời gian còn lại mùa khô năm 2020; tăng cường phối hợp thực hiện quản lý môi trường trên lưu vực sông; đầu tư đảm bảo tiến độ các dự án trạm quan trắc tự động môi trường nước. Thống nhất xây dựng phương án đối phó chung nếu nguồn nước bị ô nhiễm. Đồng thời đánh giá tác động của việc điều tiết các nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đến tình hình xâm nhập mặn vùng hạ lưu; đề xuất dự án đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông này.
Theo chuyên gia thủy lợi Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, thành phố 6 năm nay loay hoay chống xâm nhập mặn, nguồn nước phục vụ sinh hoạt lâu nay chủ yếu lấy từ sông Vu Gia, tuy nhiên cách hiệu quả nhất là nên lấy nước ngọt ở sông Thu Bồn, đoạn xã Đại Hòa, gần với Giao Thủy (Đại Lộc). “Chúng ta đã đầu tư trạm bơm công suất 210m3/ngày đêm tại An Trạch, năm nay còn có kế hoạch đắp đập tạm tại Cầu Đỏ để ngăn mặn. Đà Nẵng nên lấy nước từ sông Thu Bồn, không cần phải phụ thuộc vào thủy điện và sông Vu Gia” - ông Thắng đề xuất.
Nhiều chuyên gia thủy lợi cho rằng, lấy nước ở sông nào thì cũng cần điều tiết hồ chứa sao cho dòng chảy trên lưu vực sông được liên tục trong mùa kiệt. Quảng Nam phối hợp với Đà Nẵng và các nhà máy thủy điện cần xác định nhu cầu sử dụng nước của từng địa phương làm cơ sở đề xuất điều hành trong mùa kiệt. Theo TS. Lê Hùng (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), thành phố cần đánh giá lại tác động ô nhiễm dọc sông Cẩm Lệ, sông Hàn và sớm lắp đặt trạm đo tự động kiểm soát nguồn ô nhiễm.
Để lưu vực sông khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả, năm 2019 hai địa phương đã thống nhất cơ chế phối hợp trao đổi thông tin, đối thoại định kỳ của ban điều phối. Trong đó, trao đổi kỹ thuật về các giải pháp chống xâm nhập mặn ở Vĩnh Điện, Hội An và Cầu Đỏ; nâng cao năng lực thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ; đồng kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia của các hồ chứa thủy điện Sông Bung 4, A Vương, Đắc Mi 4 để đảm bảo nhu cầu dùng nước ở hạ du mùa cạn. Ngoài ra, đầu tư 2 trạm quan trắc môi trường nước tự động tại vị trí Trạm thủy văn Ái Nghĩa (Đại Lộc) và Tứ Câu - Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn).
Theo: Hữu Phúc
Nguồn tin: HỮU PHÚC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn