Nắng nóng, khô hạn đã khiến hàng loạt hồ thuỷ điện thiếu nước sản xuất điện, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, rất cần sự chia sẻ của người dân. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoạch – Chuyên gia, thành viên Hội đồng khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
- Xin ông đánh giá vai trò của các thuỷ điện ở miền Bắc đối với hệ thống điện quốc gia nói chung và ở miền Bắc nói riêng?
Các nhà máy thủy điện ở miền Bắc đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, ngoài việc sản xuất điện năng còn tham gia chống lũ, cấp nước cho hạ du, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trước năm 1975 miền Bắc có nhà máy thủy điện Thác Bà, công suất 108MW, đến năm 1994 khi nhà máy thủy điện Hòa Bình đưa vào vận hành với công suất 1.920MW thì cơ cấu nguồn điện đã thay đổi cơ bản, công suất thủy điện chiếm hơn 60% tổng công suất toàn hệ thống. Với dung tích hồ chưa 9,45 tỷ m3 nước, nhiệm vụ chính của thủy điện Hòa Bình là chống lũ, góp phần quan trọng vào việc phòng chống lũ lụt cho vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Thuỷ điện cũng là nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam thời đó và cấp nước cho hạ du, cải tạo giao thông thủy. Đến nay, hàng loạt nhà máy thủy điện lớn ở miền Bắc như Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Trung Sơn, Bản Vẽ,... đưa vào vận hành đã đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu nguồn điện ở miền Bắc, ngoài việc cung cấp nguồn điện ổn định còn tham gia cấp nước cho nông nghiêp, chống lũ và cấp nước sinh hoạt cho hạ du.
- Việc các hồ thiếu nước hiện nay đã ảnh hưởng như thế nào đối với việc cung cấp điện cho miền Bắc?
Trong năm 2023, tình hình lưu lượng nước về các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm của các hồ thủy điện phía Bắc chỉ đạt khoảng 60-70% so với trung bình nhiều năm. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 lượng nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt lượng nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
Tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Thác Bà, Hủa Na. Riêng 2 hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải huy động chạy máy xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6.
Việc các hồ thiếu nước hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp điện cho cho khu vực miền Bắc. Tổng công suất không thể huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000MW và có thể lên đến 7.000MW khi mực nước hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết.
Như vậy, theo đánh giá, công suất khả dụng của thủy điện chỉ còn 3.110MW, đạt 23,7% tổng công suất lắp máy của các nhà máy thủy điện ở miền Bắc. Trong khi đó khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500kV Bắc -Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500MW đến 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố. Do vậy, việc tiết giảm điện chắc chắn sẽ còn tiếp diễn cho đến khi có mưa, hay nói cách khác, khi các hồ thủy điện có đủ nước để vận hành bình thường thì tình trạng thiếu điện như hiện nay mới được khắc phục.
- Vừa rồi dư luận bức xúc vì việc cắt điện, song dường như họ đang thiếu thông tin về hệ thống điện Việt Nam, trong đó có thuỷ điện. Quan điểm của ông về vấn đề này? Và theo ông, có nên khai thác, phát triển thêm 1 số thuỷ điện nhỏ và đẩy nhanh thuỷ điện tích năng hay không?
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng mà lại bị cắt điện đột ngột, thậm chí bị cắt điện không được thông báo trước thì sự bức xúc của người dân là không thể tránh khỏi.
Điều người dân quan tâm là có đủ điện để dùng không và mức giá phải trả là bao nhiêu, còn cơ cấu nguồn điện thế nào, trong đó thủy điện cần chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng cơ cấu nguồn thì có lẽ chỉ dành cho các nhà chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, nếu người dân nắm được thông tin về hệ thống điện Việt Nam, về thuỷ điện cũng như vai trò của thuỷ điện thì mới sẻ chia với khó khăn của ngành Điện. Nếu họ biết được việc đầu tư 1MW hết bao nhiêu tiền thì sẽ thấy được việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện sẽ có lợi như thế nào.
Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành Điện cần khoảng 13-14 tỷ đô la để đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, đây là con số không hề nhỏ. Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động toàn dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện là quan trọng nhất.
Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, sạch và rẻ hơn điện than và điện khí, được coi như là một chìa khóa mấu chốt cho động lực phát triển kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển thủy điện nước ta đã đến giới hạn. Hiện nay chỉ có thể tiếp tục phát triển thủy điện cột nước thấp, ví dụ như việc bổ sung quy hoạch hai dự án thủy điện cột nước thấp trên sông Hồng, đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước của lưu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (Dự án thủy điện Thái Niên 75MW và dự án thủy điện Bảo Hà 75MW).
Những dự án thủy điện nhỏ có điều kiện kinh tế-kỹ thuật-môi trường tốt cũng cần tiếp tục xây dụng để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tái tạo giá rẻ.
Trong điều kiện công suất điện gió và mặt trời chiếm gần 30% tổng công suất toàn hệ thống thì cần có hệ thống lưu trữ để tránh giảm phát như thời gian vừa qua. Do vậy, xây dựng thủy điện tích năng là một giải pháp để tích trữ điện năng ở thời điểm dư thừa phụ tải và phát lên lưới khi có nhu cầu. Ngoài thủy điện tích năng Bác Ái đang xây dựng – cần đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành càng sớm, càng tốt thì phía Bắc có các dự án thủy điện tích năng Phù Yên Đông công suất 1.400MW cũng nên xem xét xây dựng.
- Trong bối cảnh miền Bắc đang phải tiết giảm điện, ông có khuyến nghị đề xuất gì với cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng trong việc sử dụng điện, nước?
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino thì nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa khô năm 2023. Trong điều kiện thời tiết diễn biến khắc nghiệt, khó lường như vậy, để đối phó với tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu điện thì việc phải tiết giảm điện là cần thiết.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực để giải quyết khó khăn về nhiên liệu, về nguồn điện, giải quyết khó khăn về thủ tục để sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành.
Thủ tướng đã có công điện, Bộ Công Thương đã phát động chương trình tiết kiệm điện, ngành Điện và các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền tiết kiệm điện, nước. Hy vọng người dân cùng đồng hành với ngành Điện, chia sẻ khó khăn bằng cách sử dụng tiết kiệm điện, vừa ích nước, vừa lợi nhà.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Link gốc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn