Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chọn chủ đề năm 2021 là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam” với mục tiêu tích hợp công nghệ số và mô hình quản trị phù hợp quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, Công ty Thủy điện Quảng Trị đã đặc biệt quan tâm, chú trọng và thúc đẩy CBCNV tìm hiểu, học tập, thực hiện và triển khai các công tác liên quan đến công nghệ số, dữ liệu số... để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chuyển đổi các hoạt động quản lý thủ công bằng sổ sách, giấy tờ sẽ chuyển sang quản lý bằng hình thức điện tử; Các hoạt động chưa tự động được chuyển thành tự động; Áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn.
Trong thời gian vừa qua, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đã tổ chức khóa đào tạo “Chiến lược doanh nghiệp số” dành cho các cấp Lãnh đạo; tiếp tục triển khai tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược trong công tác chuyển đổi số cho cấp quản lý, chuyên viên tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên thông qua khóa đào tạo “Chiến lược và triển khai chuyển đổi số”. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích sự tìm tòi học hỏi, nâng cao trình độ của mỗi CBCNV trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, EVNGENCO2 đã tổ chức thành công cuộc thi trắc nghiệm trên phần mềm Elearning “Tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số” và cuộc thi viết “EVNGENCO2 với công cuộc chuyển đổi số” năm 2021.
Xác định mục tiêu và hành động cụ thể trong từng lĩnh vực, Công ty Thủy điện Quảng Trị đã xây dựng đội ngủ nhân sự để đẩy mạnh triển khai các giải pháp đảm bảo chất lượng và tiến độ.
- Đối với lĩnh vực sản xuất, trọng tâm là các phần việc liên quan đến hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật (PMIS), sửa chữa bảo dưỡng tin cậy RCM (Reliability Centered Maintenance), Công ty đã mời Công ty Điện lực Viễn thông và Công nghệ thông tin (EVNICT) tổ chức Bồi huấn, đào tạo các phân hệ trên phần mềm QLKT. Bên cạnh đó, các Quy trình vận hành và xử lý sự cố các thiết bị cũng đang được số hóa…cơ bản hoàn thành đạt hơn 95% kế hoạch.
- Lĩnh vực đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn các hạng mục công trình, Công ty triển khai đẩy mạnh áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng đáp ứng yêu cầu theo Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT, Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi thông tư 04/2017/TT-BKHĐT và Lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định tại Thông tư 05/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ứng dụng công nghệ mới trong công tác khảo sát thiết kế, lưu trữ các hồ sơ dự án công trình dưới dạng điện tử, hoàn thiện công tác đánh giá chất lượng nhà thầu...
- Lĩnh vực quản trị nội bộ, trong những năm qua Công ty đã triển khai Văn phòng điện tử (E-Office) để giải quyết công việc và đem lại hiệu quả. Hiện nay, bước đầu triển khai ứng dụng Văn phòng số (Digital Office), đây là hệ thống quản lý tập trung có thể tra cứu, tìm kiếm văn bản liên quan đến công việc, thực hiện ký số và phát hành/lưu trữ văn bản điện tử.
- Đối với ứng dụng công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực, đã triển khai lắp đặt camera giám sát thao tác, giám sát thiết bị-công trình, đo mực nước, quản lý theo dõi hồ đập... phục vụ công tác vận hành và kiểm tra ghi thông số thiết bị từ xa, từ đó đã thực hiện cắt giảm một số vị trí nhân viên vận hành thiết bị phụ trợ. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Công ty cũng thường xuyên tổ chức Hội họp, triển khai học tập trực tuyến qua các phần mềm: Elearning, Zoom.us... đã phát huy tối đa hiệu quả, giảm được nhiều chi phí so với tổ chức hội họp, học tập trực tiếp.
CBCNV thực hành làm việc với phầm mềm QLKT (PMIS)
Lớp học bồi huấn sử dụng phầm mềm QLKT (PMIS)
Công ty Thủy điện Quảng Trị đã thực hiện tuyên truyền về công cuộc chuyển đổi số thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên website của Công ty, D-office, Elearning, Zoom.us... triển khai kịp thời các giải pháp liên quan đến công nghệ số, dữ liệu số; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của CBCNV. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng rằng trong quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ cắt giảm được nhiều chi phí sản xuất, Lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của CBCNV, giúp tăng hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của Công ty, cũng như trong EVNGENCO2; góp phần vào hoàn thành tốt mục tiêu chuyển đổi số trong EVN: “Cơ bản hoàn thành vào năm 2022, đưa EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025”.
Lê Phương