Tham dự hội nghị, có ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Bùi Quốc Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); TS. Dương Nguyên Bình – Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam; ông Võ Văn Yên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP. Hồ Chí Minh.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng Thành viên chủ trì Hội nghị cùng sự tham dự của các Đơn vị trong toàn EVN. Về phía EVNGENCO2, có ông Trần Phú Thái – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Trương Hoàng Vũ – Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, Trưởng các Ban chức năng EVNGENCO2 và đại diện Lãnh đạo Công ty CP Thuỷ điện A Vương, Công ty CP Thuỷ điện Sông Ba Hạ.
Quang cảnh hội nghị
Chuyển đổi số trong Tập Đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và Tổng công ty Phát điện 2 nói riêng là một nhiệm vụ rất quan trọng và dài hơi. Năm 2021, EVN đã xây dựng và ban hành "Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam", chọn chủ đề năm là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, đây như bước khởi động, giúp chuyển đổi nhận thức trong từng CBCNV, Người lao động, thúc đẩy và mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, vận hành hệ thống điện liên tục, an toàn và ổn định. Cũng từ đây, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam và các đơn vị trực thuộc đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực hiện quyết tâm cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó, công tác tự động hóa đóng vai trò hết sức quan trọng trong các lĩnh vực chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Tại hội nghị, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên báo cáo kết quả đã thực hiện, đồng thời trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các đối tác với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng về tự động hóa và chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao. Các đối tác ngoài EVN như Seimens, Sembcorp, ATS, Hitachi Energy, Andritz,... đã mang đến những hệ thống, bài tham luận về vai trò tầm quan trọng của dữ liệu khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống điện Việt Nam; Tự động hoá và giải pháp chuyển đổi số trong vận hành và bảo trì nhà máy thuỷ điện;…
Các đơn vị của EVN cũng đã mang đến trưng bày các hệ thống mang tính ứng dụng cao như: Hệ thống Điều khiển từ xa vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao lưới điện 22 kV (Tổng công ty Điện lực miền Nam), Hệ thống dự báo và giám sát điện mặt trời mái nhà (Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh), Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản lý đường dây truyền tải điện (Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc Gia), Giải pháp chế tạo Robot vệ sinh sơn bồn kim loại (Tổng công ty Phát điện 3),…
Gian trưng bày sản phẩm của EVNGENCO2
Về phía EVNGENCO2 đã mang đến Hội nghị “Hệ thống cảnh báo từ xa cho hạ du khi xả nước điều tiết và vận hành phát điện Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ” của Công ty CP Thuỷ điện Sông Ba Hạ và “Hệ thống giám sát thiết bị online Nhà máy Thủy điện A Vương” của Công ty CP Thuỷ điện A Vương. Các hệ thống này đã thu hút được nhiều khách mời đến xem và tìm hiểu, trong đó mô hình Hệ thống Cảnh báo từ xa được đánh giá cao bởi đối với các nhà máy thuỷ điện thì việc đảm bảo cho vùng hạ du an toàn là vô cùng quan trọng. Hệ thống giúp nâng cao hiệu quả cảnh báo lũ khi vận hành phát điện, được thiết kế và chế tạo với công nghệ hiện đại, dễ vận hành, độ tin cậy cao dựa trên nền tảng điều khiển thông qua sóng điện thoại GSM. Khi Nhà máy vận hành hồ chứa cần thông báo thông tin điều tiết hồ chứa/xả nước qua tràn/chạy máy phát điện…, người điều khiển sẽ soạn bằng tin nhắn SMS hoặc cuộc gọi thoại, hệ thống cảnh báo từ xa sẽ tự động kích hoạt 17 trạm cảnh báo từ xa và tự động phát toàn bộ nội dung thông báo ra hệ thống loa phóng thanh công suất lớn đã được lắp đặt rộng rãi cho nhân dân vùng hạ du biết và chủ động phòng tránh.
Trong chương trình làm việc của Hội nghị, ông Ngô Việt Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện A Vương đã trình bày tham luận “Hệ thống giám sát online nhiệt độ và thiết bị nhà máy Thủy điện A Vương”. Theo đó, hệ thống giám sát này giúp giảm số nhân công đi kiểm tra và nhập dữ liệu, đồng thời tạo bộ cơ sở dữ liệu quá khứ, sẵn sàng cho việc chuyển đổi số tại Nhà máy. Đây là hệ thống do Đơn vị nghiên cứu và áp dụng, không thuê đơn vị bên ngoài thực hiện, qua đó trực tiếp giảm chi phí đầu tư, gián tiếp tăng lợi nhuận cho công ty con và công ty mẹ.
Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN tham quan gian hàng EVNGENCO2.
Ông Trương Hoàng Vũ – Tổng Giám đốc EVNGENCO2 chia sẻ “Hội nghị Tự động hoá EVN 2022 lần này là một hội nghị quan trọng đối với ngành điện Việt Nam và với các đơn vị thành viên. Đây là cơ hội đối với các đồng chí lãnh đạo cũng như đội ngũ điều hành, vận hành để trao đổi và học tập kinh nghiệm. Đối với Tổng công ty Phát điện 2, những mô hình được trưng bày tại hội nghị đều có những ứng dụng riêng giúp tự động trong quá trình vận hành. Các bài tham luận, trình bày của các đối tác ngoài EVN đã cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích, giúp các đại biểu tham dự hiểu thêm các bước Tiếp cận – Phân tích – Hành động trong quá trình tự động hoá, chuyển đổi số, gíup thực hiện mục tiêu đưa những nhà máy điện trở thành “những nhà máy điện số”, giúp Tập đoàn, các Tổng công ty vươn mình, sớm hoà nhập công cuộc tự động hoá, chuyển đổi số trên toàn thế giới. Còn đối với hệ thống Cảnh báo từ xa, trong thời gian tới nếu hệ thống đáp ứng được những yêu cầu đề ra thì với vai trò là lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 2, chúng tôi sẽ có những bước triển khai chung cho các nhà máy thuỷ điện của EVNGENCO2 và nghiên cứu cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam “tự động hoá ngành điện” trong xu thế tự động hoá, chuyển đổi số hiện nay.
Ông Ngô Việt Hưng – Chủ tịch HĐQT Cty CP Thuỷ điện A Vương trình bày tham luận tại Hội nghị
Cũng tại hội nghị, EVN đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm "Make by EVN" cho 6 sản phẩm “Make by EVN” gồm: Công tơ điện tử CPCEMEC; Chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến OMS; Trạm sạc nhanh ô tô điện; Phần mềm thu thập dữ liệu công tơ đo đếm; Thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp (SRFI) và Hệ thống cảnh báo sự cố lưới điện (FDS); và Số hóa công tác điều độ lưới điện. Các sản phẩm trên thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực TPHCM, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội và Công ty Viễn thông Điện lực và công nghệ thông tin. Đây là 6 trong số 28 sản phẩm được đăng ký "Make by EVN" vào năm 2021.
Sau một ngày tập trung làm việc, trao đổi, Hội nghị Tự động hoá EVN 2022 đã kết thúc thành công. Các đơn vị nói chung và Tổng công ty Phát điện 2 nói riêng đều có thêm những thông tin hữu ích, những kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác sản xuất, vận hành các nhà máy, cung ứng dịch vụ... Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ và tự động hoá vận hành hệ thống điện cần đảm bảo đạt được các mục tiêu: Tự động hoá trước hết để đảm bảo an toàn, an toàn cho con người và cho thiết bị; Tự động hoá làm cho vận hành thiết bị và hệ thống điện linh hoạt hơn; Tự động hoá sẽ mang lại hiệu quả, hiệu quả từ tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong quản trị chuyên nghiệp, như tinh thần chủ đề năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”.
Tin: Ngọc Mai
Ảnh: Minh Lương