Thực trạng chuyển đổi số ở Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã xác định được tầm quan trọng của Chuyển đổi số trong công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển đất nước. Mục tiêu được nêu rõ trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam có kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số ở mỗi ngành tối thiểu 10%; năng suất lao động han tối thiểu mỗi năm 7%; thuộc nhóm top 50 quốc gia dẫn đầu về CNTT.
Những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển đổi số
Xu hướng công nghệ số: điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (Big data)(Hình ảnh: Internet)
Khó khăn về công nghệ
Quá trình chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy đòi hỏi trình độ cao về kỹ thuật cũng như nhân lực. Tuy nhiên Việt Nam còn đi sau thế giới về công nghệ, chúng ta còn phụ thuộc vào công nghệ cốt lõi trong chuyển đổi số và các nền tảng (platform) cơ bản. Để đảm bảo việc chuyển đổi số thành công cần đảm bảo cơ sở hạ tầng phù hợp về ngắn hạn cũng như dài hạn. Đồng thời phải có nguồn nhân lực có kỹ năng vận hành các hệ thống công nghệ mới. Nhưng thực tế doanh nghiệp Việt còn yếu và thiếu hai yếu tố này. Mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số ở Việt Nam đang ở mức trung bình so với 141 quốc gia trên thế giới.
Khó khăn về vốn đầu tư
Quá trình chuyển đổi hóa phải toàn diện từ việc thay đổi nhận thức, lên chiến lược phù hợp, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng cơ sở công nghệ số. Để thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn trên thì đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn. Đây cũng là rào cản lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Khó khăn về nhận thức của người lãnh đạo doanh nghiệp
Khi bắt đầu chuyển đổi số thì sự thay đổi đầu tiên chính là tư duy người lãnh đạo. Rồi từ đó sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh, hình thức hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi thực tế những người lãnh đạo hiện nay thường không được đào tạo bài bản về chuyển đổi số nên khó khăn trong việc triển khai. Hơn nữa nhiều doanh nghiệp đã thành công trong tư duy truyền thống nên khá ngại thay đổi, bắt kịp với thời đại.
Để triển khai thành công chuyển đổi số cần có tư duy thay đổi để đưa ra chiến lược kinh doanh công nghệ số hiệu quả, tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, tài chính đảm bảo và hệ thống công nghệ số. Tuy nhiên những yếu tố này vẫn là trở ngại cho các doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh thách thức, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều lợi thế khi chuyển đổi số. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có chỉ số hạ tầng kết nối tốt, tỷ lệ thuê băng rộng trên tổng dân số cao chiếm 82%. Hơn nữa, chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu về chuyển đổi số nên đã đưa ra những chính sách ủng hộ cụ thể, các hoạt động chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần thay đổi mô hình truyền thống cứng nhắc và ứng dụng mô hình làm việc linh hoạt, chủ động, phát huy sáng tạo mỗi cá nhân.
Chuyển đổi số trong Công ty Thủy điện Sông Bung
Trong công tác quản trị, Công ty Thủy điện Sông Bung đã đẩy mạnh chuyển đổi số, không ngừng ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để nâng cao hiệu quả SXKD, tạo giá trị gia tăng mới nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Xác định được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí; phấn đấu đến hết năm 2022, Công ty Thủy điện Sông Bung sẽ cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.
Mục tiêu của chuyển đổi số của Công ty đặt ra hướng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh được số hóa, các hoạt động chưa tự động thành tự động và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chất lượng dịch vụ; năng suất lao động; năng lực quản trị để đồng hành cùng EVN và EVNGENCO2 trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Hoàng Long – Phòng Kỹ thuật – An toàn