Nhà máy Thủy điện Quảng Trị. Ảnh: ĐVCC.
Nguyên tắc vận hành công trình
Công ty Thủy điện Quảng Trị là đơn vị quản lý vận hành với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối thủy lợi, thủy điện Quảng Trị, chủ động đề phòng với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm; không để mực nước hồ vượt mực nước lũ kiểm tra ở cao trình +482,34 m. Ngoài việc đảm bảo an toàn hạ du trong mùa lũ, công trình còn có nhiệm vụ xả nước bổ sung nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa kiệt cho vùng hạ du kết hợp phát điện cung cấp lên lưới điện Quốc gia, xả dòng chảy tối thiểu theo quy định.
Vai trò phòng lũ, giảm lũ cho hạ du
Công trình hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị xây trên sông Rào Quán có diện tích lưu vực hứng nước đến tuyến công trình là 159 km2 chiếm 5,9% so với diện tích toàn lưu vực Thạch Hãn (2.664 km2) và chiếm 10,89% so với diện tích lưu vực tới tuyến đập Thạch Hãn (1.460 km2). Thượng nguồn sông Thạch Hãn là vùng mưa lớn và rất đồng đều, Hồ Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị là hồ có dung tích lớn nhất tỉnh Quảng Trị hiện nay có tác dụng cực kỳ quan trọng trong việc điều hòa cấp nước cho hạ du vào mùa kiệt.
Với dung tích phòng lũ 30 triệu m3, diện tích hứng nước nhỏ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong toàn lưu vực, việc phòng lũ cho hạ du của Hồ Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị còn gặp nhiều hạn chế. Để đảm bảo quá trình giảm lũ và cắt lũ cho hạ du đạt hiểu quả tốt nhất, Công ty dựa trên dự báo khí tượng, thủy văn chủ động hạ thấp mức nước hồ chứa để đón lũ và cắt lũ cho hạ du, trong những năm vừa qua đã đạt hiệu quả tốt và được cấp chính quyền tỉnh Quảng Trị ghi nhận.
Nhìn lại năm 2020
Nhớ lại tháng 10 năm 2020, suốt những ngày từ 6 - 12 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và dải hội tụ nhiệt đới, mưa với cường độ cực lớn liên tục đổ xuống Quảng Trị và miền Trung. Có thể khẳng định kể từ ngày thành lập công ty đến nay chưa năm nào Công ty Thủy điện Quảng Trị phải đối mặt với khó khăn thách thức như năm này. Lượng mưa đo được ở trạm đo mưa Hướng Sơn - trung tâm lưu vực là 1.907,6 mm, với lưu lượng đỉnh lũ đến hồ là 1.324 m3/s. Kế đó, đợt lũ từ ngày 13-17/10 lượng mưa đo được cũng ở trạm đo mưa Hướng Sơn là 1.320 mm, với lưu lượng đỉnh lũ đến hồ là 1.426 m3/s.
Theo thiết kế, lúc bình thường hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị có mực nước ở cao trình 453m, tổng dung tích hữu ích là 142 triệu m3. Mùa hè năm 2020 hạn hán gay gắt nên tại thời điểm trước khi mưa lũ xảy ra, mực nước hồ chứa xấp xỉ mực nước chết, thế nhưng trong đợt lũ lịch sử này mực nước dâng lên 477,89 m cao hơn mức bình thường 2,11 m vào ngày 12/10/2020. Vì vậy, toàn bộ dung tích hồ đã được sử dụng để góp phần cắt trận lũ này, giúp giảm ngập lụt ở hạ du.
Hơn một tháng trời, từ lãnh đạo đến CBCNV bám nhà máy, bám hồ đập, thức trắng đêm để theo dõi từng chỉ số mực nước, đảm bảo an toàn hồ đập, giảm thiểu thiệt hại cho hạ du. Theo đó, Công ty điều chỉnh lưu lượng phù hợp trên cơ sở lượng nước đổ về hồ và tình hình ngập lụt ở hạ du. Với chủ trương đó, Công ty tạo phần dung tích trống nhằm chủ động ứng phó, cắt lũ cho các đợt lũ tiếp theo. Mặc dù lũ đổ về hồ với lưu lượng 492 m3/s ngày 12/10 rồi 777 m3/s và đặc biệt ngày 16/10 với lưu lượng 941 m3/s nhưng Công ty đã xả điều tiết với lưu lượng từ 40 m3/s đến hơn 350 m3/s, nghĩa là chỉ bằng 1/3 lượng nước đổ về hồ, nhờ đó đã giảm được đỉnh lũ về hạ du. Dòng nước hung hãn với sức công phá cực lớn, một phần được kìm chân trên đỉnh Trường Sơn, giảm thiểu sự tàn phá của ở phía hạ du.
Những ngày cuối tháng 10/2020, Công ty Thủy điện Quảng Trị tiếp tục điều tiết lượng nước tạo dung tích dự trữ, chủ động đón và cắt đỉnh lũ của các cơn lũ tiếp theo, đảm bảo an toàn cho công trình, đồng thời tính toán để có kế hoạch tích nước đảm bảo phục vụ cho nông nghiệp và phát điện trong mùa khô 2021.
Hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị. Ảnh: Minh Lương
Một số giải pháp trọng tâm ứng phó với thiên tai
Công ty đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN, các đội xung kích; kịp thời chỉ đạo lập kế hoạch triển khai diễn tập và chỉ huy công tác PCTT&TKCN theo phương châm 4 tại chỗ từ cấp các đơn vị trực thuộc cho đến cấp Công ty. Trong công tác diễn tập các đơn vị, Công ty đã lựa chọn những tình huống sát với thực tế nhằm nâng cao kỹ năng xử lý cho CBCNV. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó với các tình huống của thiên tai đảm bảo an toàn về con người, tài sản trong quá trình quản lý và vận hành công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị.
Bên cạnh đó, Đơn vị còn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác PCTT&TKCN chi tiết và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị trực thuộc thực hiện đồng thời kiểm tra quá trình thực hiện của các đơn vị. Tăng cường kiểm tra các hạng mục công trình để nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn kịp thời đưa ra các biện pháp phòng tránh, phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương kiểm tra dòng chảy thoát lũ về hạ du. Phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác cảnh báo xả điều tiết lũ, công tác hỗ trợ người dân đi lại trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Nhiệm vụ cụ thể của Công trình Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị
Điều tiết lưu lượng dòng chảy để bổ sung nước tưới cho hạ du vụ Đông xuân 13.867 ha (trong đó 10.040 ha lúa, 2500 ha lạc và 1.237 ha ớt); vụ Hè thu 13.350 ha (trong đó 9.690 ha lúa, 3.660 ha lạc); cấp nước cho 200 ha nuôi trồng thủy sản vùng đất nhiễm mặn; cấp nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của khu kinh tế ở hạ du cùng các nhu cầu dùng nước khác. Giảm lũ cho hạ du với dung tích phòng lũ 30 triệu m3. Cung cấp điện lên điện tưới quốc gia phục vụ kinh tế, xã hội với sản lượng điện trung bình năm là 247,1 triệu kWh phục vụ kinh tế, xã hội.
Tính đến hết ngày 05/9/2021, Công ty đã sản xuất được 209,2 triệu kWh điện đạt 105,67% kế hoạch Tổng Công ty Phát điện 2 giao, bổ sung cho nông nghiệp 223 triệu m3 nước, vượt 13% kế hoạch giao của tỉnh Quảng Trị. |
Nguyễn Tiến Hưng + Lê Thị Thủy