Vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng đối với tài nguyên nước và cuộc sống con người. Nó đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành cung cấp nước uống an toàn một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, các vùng đất ngập nước cung cấp lương thực, thực phẩm hỗ trợ sản xuất, một lượng lớn thủy sản được đánh bắt từ các vùng đất ngập nước, đồng thời, đất ngập nước cũng cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới. Đất ngập nước còn có vai trò rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, 40% số loài trên thế giới sống ở vùng đất ngập nước.
Tại Việt Nam, tổng diện tích đất ngập nước ước tính khoảng 7 triệu đến 10 triệu hecta. Phần lớn thóc, gạo, cá, tôm và các loại lương thực, thực phẩm khác đều được sản xuất từ những vùng đất ngập nước, đặc biệt và từ châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.
Ngay từ những năm 1989, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên trong các chính sách của Đảng và Nhà nước. Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, xây dựng hành lang pháp luật về quản lý đất ngập nước như: Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, Thông tư số 07/2020/TTBTNMT ngày 31/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP; quy hoạch thành lập mới 45 khu bảo tồn đất ngập nước đến năm 2030… Tuy nhiên, đến nay, các vùng đất ngập nước vẫn đang bị tác động mạnh mẽ do các hoạt động phát triển kinh tế của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiều vùng đất ngập nước đã bị biến mất và diện tích các vùng đất ngập nước bị thu hẹp do gia tăng sức ép khai thác, sử dụng đất ngập nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước; giảm chất lượng đất và nước, thay đổi cấu trúc và chức năng dịch vụ hệ sinh thái ở nhiều vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Đánh giá của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho thấy, sự suy thoái và mất đất ngập nước có thể dẫn đến sự suy giảm hơn nữa chất lượng cuộc sống của con người, đặc biệt đối với những người nghèo và các khu vực chưa có các giải pháp công nghệ.
Theo TS. Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho rằng, khôi phục đất ngập nước và duy trì chu kỳ thủy văn là vô cùng quan trọng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ lũ, cấp nước, cung cấp thực phẩm và bảo tồn đa dạng sinh học. Để làm được việc này một trong những giải pháp cần tập trung triển khai, cơ quan chức năng cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền và huy động sự tham gia, cam kết của cộng đồng trong bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, dừng các hoạt động gây suy thoái các vùng đất ngập nước và thúc đẩy phục hồi đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước.
Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước, đặc biệt là phát huy được các giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và bảo vệ được đặc tính sinh thái của các hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường và kinh tế-xã hội.
Theo Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường
Link gốc: “Không thể tách rời - Đất ngập nước, Nước và Sự sống” (baotainguyenmoitruong.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn