Theo đó, Tổng công ty Phát điện 2 giới thiệu đến quý đồng nghiệp và bạn đọc bài viết “Một chặng đường lịch sử” của tác giả Trần Xuân Đạm.
Mới đó đã 45 năm, có một Nhà máy Nhiệt điện đầu tiên bên bờ sông Hậu. Hôm nay nhìn lại chặng đường, nhớ lại bao kỷ niệm, nhớ lại các bậc tiền bối, từ Lãnh đạo cho tới những người thợ, bậc thầy đã giúp đỡ và rèn luyện cho anh em công nhân, kỹ sư chúng tôi được như ngày hôm nay, thật là cảm kích!
Sơ lược về sự hình thành phát triển của Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ, ban đầu chỉ là trạm Diesel gồm 5 máy GM 2100 KW. Nhà máy điện Cần Thơ lúc đó có công suất 33 MW và 04 Gas Turbine, mỗi máy 37,5 MW. Từ năm 2009, Nhiệt điện Ô Môn được đưa vào vận hành gồm 02 Tổ máy mỗi tổ có công suất là 330 MW. Khi mới đưa vào vận hành, Nhà máy điện Cần Thơ chỉ vỏn vẹn 33 MW nhưng thuộc loại hiện đại nhất Đông Nam châu Á lúc bấy giờ, được khởi công vào tháng 5 năm 1973 và hoàn thành chạy thử nghiệm thu sau đó 02 năm. Các kỹ sư quản lý kỹ thuật khi đó thuộc vào hàng giỏi nhất của Trường bách khoa Phú Thọ (nay là Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh).
Các chuyên gia Nhật và Việt Nam năm 1974.
Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do cấm vận của Mỹ và cuộc sống kinh tế khó khăn sau chiến tranh, các thế hệ quản lý trước năm 1975 nghỉ việc hoặc đi nước ngoài, nhưng Nhà máy vẫn được vận hành và quản lý tốt bởi những con người Xã hội chủ nghĩa, công suất vẫn bảo đảm, vật tư, phụ tùng thay thế vẫn đáp ứng từ nhiều cách mà chỉ có những người thật sự giỏi mới làm được (trong thời kỳ bị cấm vận kinh tế), cho tới hôm nay đã hơn 45 năm mà công suất vẫn như thiết kế, không riêng gì nhiệt điện, các máy Diesel 2100 KW cũng luôn bảo đảm công suất cao nhất như thiết kế khi được huy động phát.
Có một chuyên gia Nhật đã từng tham gia lắp đặt tổ máy nhiệt điện Cần Thơ 33 MW, sau hơn 20 năm quay lại thăm Nhà máy đã phát biểu một câu dí dỏm “Chúng tôi đã gả cô con gái sang đây, vậy mà sau mấy chục năm mà vẫn xinh đẹp, khỏe mạnh”. Đến người Nhật còn phải nể, thật đáng tự hào!
Tuy nhiên Nhà máy cũng có lúc khó khăn bởi những vấn đề chung của xã hội sau cuộc cách mạng, nhiều người đã xin chuyển đi nơi khác làm việc, do thu nhập không đủ trang trải cho đời sống, làm cho Nhà máy đôi lúc thiếu nhân lực. Nhớ lúc khó khăn khi ngừng máy để trùng tu, đại tu, với tinh thần giúp đỡ lẫn nhau vượt khó các nhà máy bạn chi viện nhân lực, các Sở điện lực thì hỗ trợ lương thực, thực phẩm để anh, chị, em đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ. Có những lúc tình hình sản xuất gặp không ít khó khăn, vật tư, nhất là nhiên liệu vận hành cho nhà máy ở xa nơi cung cấp. Thậm chí có năm lượng dầu dự trữ đã cạn kiệt, cán bộ, nhân viên tiếp nhận đầu đội mưa đứng dọc theo sông Hậu chờ tàu vận chuyển dầu, trong khi các bồn đã cạn, mà máy thì phải giữ công suất bằng mọi giá, chỉ có những ai sống tại thời điểm đó, mới cảm nhận hết những nổi vất vả khó khăn đảm bảo cung cấp đủ điện cho người dân.
Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I về đêm (Ảnh: Trần Xuân Đạm)
Đã có hai thậm chí là ba thế hệ công tác tại đây, đã có rất nhiều cán bộ trưởng thành và hiện đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại Tổng công ty, các Nhà máy điện. Đôi lúc tôi tự hỏi có người nào trong chúng ta không yêu quý Nhà máy này không? Chắc chắn là không bởi vì đây là “Ngôi nhà Chung” là nơi gắn kết các thế hệ CBCNV Công ty, nơi chúng ta được quan tâm, tạo điều kiện và từng bước nâng cao đời sống CBCNV.
Phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp trong suốt 45 năm qua, vững tin hơn nữa vào một tương lai tươi sáng của Công ty Nhiệt điện Cần Thơ. Cán bộ công nhân viên Công ty Nhiệt điện Cần Thơ sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để Công ty ngày càng vững mạnh cùng sự phát triển của ngành điện và đất nước, góp phần vào công cuộc cách mạng công nghiệp hoá và hiện đại hoá!
(Bài viết đã được Ban tổ chức biên tập lại để phù hợp đăng tải trên website)
Trần Xuân Đạm- PX SCCN