Với chức năng đó, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã được thiết kế, thẩm định trên cơ sở các quy tắc thực hành tốt trên thế giới về khảo sát, thiết kế kỹ thuật, phân tích các phương án chọn lựa,giám sát, nghiên cứu, tính toán nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường, xã hội và an toàn đập.
Từ khi đi vào vận hành năm 2017 đến nay, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn luôn tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương ban hành. Đồng thời, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về diễn biến thời tiết, lưu lượng nước về hồ và tính toán lưu lượng xả để Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh ban hành lệnh vận hành xả lũ, góp phần cắt, giảm và làm chậm lũ cho hạ du, đồng thời, bảo đảm vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả.
Bước vào mùa mưa lũ năm 2020, ngay từ đầu quý II, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và Đội xung kích PCTT&TKCN; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân tổ chức hệ thống kiểm tra, đánh giá tình hình an toàn hồ đập, giám sát, xây dựng phương án xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra trong mùa mưa bão. Theo thông tin đánh giá, kiểm tra kỹ thuật của nhà máy trước mùa mưa lũ, các hạng mục hồ đập và thiết bị vận hành đều bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc của nhà máy gồm điện thoại (Viettel, Vinaphone); hệ thống tín hiệu SCADA và bộ đàm đã được kiểm tra, vận hành tốt. Đơn vị đã trang bị thêm hệ thống điện thoại vệ tinh để phục vụ liên lạc, chỉ đạo, điều hành công tác PCTT&TKCN trong trường hợp không thể liên lạc bằng các mạng điện thoại và internet.
TSHPCo đã xây dựng, lắp đặt và đưa vào sử dụng 1.704 mốc cảnh báo ngập lụt và mốc lánh nạn, 290 biển chỉ dẫn thoát nạn, 15 trạm cảnh báo lũ cảnh báo bằng còi hụ từ hạ du đập đến huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, khoảng cách giữa các trạm khoảng 10 km, phạm vi cảnh báo 5 km và hệ thống cảnh báo bằng lời nói (tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Mường) qua loa phóng thanh; biển cảnh báo tại khu vực tập trung đông người, bến đò, các khu vực người dân thường xuyên sinh hoạt ven sông có nguy cơ ảnh hưởng của việc xả lũ và khi thay đổi chế độ vận hành từ đập đến Co Lương... Các hệ thống nêu trên đã được kiểm tra trước mùa lũ và hiện đang hoạt động bình thường. Đơn vị cũng đã hoàn thành tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai, TKCN năm 2020. Xây dựng kế hoạch dự trữ vật tư, thiết bị, nhân lực, thuốc men,... phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão, các thiết bị và phương tiện vận chuyển, các thiết bị và phương tiện cần thiết cho xử lý sự cố.
Công ty cũng đã cập nhật kế hoạch hành động khẩn cấp (EPP) Công trình Thủy điện Trung Sơn, cung cấp tài liệu phổ biến tuyên truyền EPP cập nhật cho chính quyền địa phương 5 huyện và 29 xã/thị trấn áp dụng EPP; tổ chức phổ biến, tuyên truyền, cung cấp tài liệu EPP cho chính quyền và Nhân dân địa phương 15 xã/thị trấn, 30 bản/xóm áp dụng EPP sinh sống gần hạ lưu công trình để có những hành động ứng phó phù hợp khi Thủy điện Trung Sơn vận hành xã lũ. Theo quy định của EPP, dự kiến cuối tháng 6-2020, công ty sẽ gửi văn bản nhắc lại các quy ước hiệu lệnh cảnh báo khi Thủy điện Trung Sơn vận hành xả lũ cho các đơn vị truyền thông trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình, UBND các huyện, UBND các xã áp dụng EPP thuộc tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hòa Bình để phổ biến cho người dân. Dự kiến trong tháng 6-2020, TSHPCo sẽ phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương có liên quan kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình nhằm đảm bảo xả lũ an toàn, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ lưu khi xả lũ.
Minh Hằng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn